Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Tin Sức Khỏe Đau lưng kinh niên tấn công người trẻ

Chị Hoa là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM. Người phụ nữ cho biết thời gian qua thường xuyên bị đau lưng, 6 tháng nay cơn đau lan xuống vùng mông khiến mọi cử động trở nên khó khăn hơn nhiều. Cơn đau làm cho chị cảm thấy khó chịu, tâm tính thay đổi, dễ bực mình, cáu gắt.

Khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, chị Hoa được bác sĩ chẩn đoán là đau thần kinh tọa. Điều trị nội khoa khoảng 6 đến 8 tuần, kết hợp tập vật lý trị liệu nhưng chị không giảm đau, bác sĩ chuyển sang phương pháp tiêm phong bế ngoài màng cứng. Bệnh trạng của chị đã cải thiện, các triệu chứng giảm khoảng 60 đến 70%.

dau-lung-kinh-nien-tan-cong-nguoi-tre

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thăm khám cho bệnh nhân bị đau mạn tính. Ảnh: NP.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, nhìn nhận đau lưng là một cảm giác phiền toái phổ biến hầu như ai cũng trải qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10% dân số trên toàn cầu gặp vấn đề về đau lưng, mọi người dù khỏe mạnh cũng sẽ bị cảm giác này ít nhất một lần trong đời. Đau lưng là một trong những lý do phổ biến khiến mọi người đến gặp bác sĩ điều trị hoặc phải nghỉ công việc giữa chừng. Về cơ bản có 2 dạng: Đau lưng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần được coi là cấp tính. Đau kéo dài từ 3 tháng trở lên gọi là mạn tính.

Người bệnh đau lưng mạn tính có các triệu chứng đau lưng kéo dài trên 3 tháng như đau cơ, đau lan xuống chân, hạn chế tính linh hoạt, ảnh hưởng hoạt động hàng ngày, không thể đứng thẳng. Hầu hết người bị đau lưng sẽ từng bước cải thiện khi điều trị tại nhà và tự chăm sóc. Người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ khi có các biểu hiện đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt vào ban đêm. Nếu có triệu chứng đau khi nằm xuống hoặc đi lại, đau lan xuống một hoặc 2 chân, đau kéo xuống dưới đầu gối, chân yếu, tê hoặc ngứa ran, rối loạn tiêu tiểu, đau lưng kèm sốt, sụt cân không giải thích được... bạn cần đến bác sĩ.

Trước đây, bệnh này được xem là vấn đề sức khỏe của tuổi già nhưng gần đây nhiều người trẻ mắc bệnh. Bác sĩ Minh Anh từng điều trị cho một nam bệnh nhân 35 tuổi làm nghề lái xe đường dài. Người bệnh đến viện khám với triệu chứng đau dọc cột sống cổ lan xuống thắt lưng, đau khi xoay người, ngay cả việc quan sát kính chiếu hậu cũng trở nên khó khăn. Tình trạng này kéo dài suốt một năm.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cần thiết, bác sĩ Minh Anh chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc và khuyến cáo phải thay đổi hành vi, tránh tập trung một tư thế trong thời gian dài bởi sẽ làm co cứng cột sống gây đau. Bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tăng cường vận động, cố gắng xen kẽ giữa mỗi khoảng thời gian lái xe từ 45 đến 60 phút phải có những cử động xoay trở nhẹ nhàng, đồng thời uống thuốc điều trị đúng giờ, đúng liều lượng.

Bệnh nhân cần thực hiện một số các cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, đo độ loãng xương, đo điện cơ, chụp cắt lớp (CT Scan), cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện sớm bệnh. Đề điều trị cơn đau, thầy thuốc có thể sẽ khuyên người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp vật lý trị liệu và thể dục. Hầu hết bệnh nhân đều phản hồi rằng các triệu chứng giảm sau vài tuần điều trị tại nhà. Với những bệnh nhân không đáp ứng giảm đau mà cơn đau có chiều hướng lan tỏa xuống chân, bác sĩ có thể tiêm thuốc phong bế thần kinh 2 chân giúp giảm đau. Ngoài ra còn những phương pháp trị liệu khác cũng mang hiệu quả nhất định như nắn bóp chăm sóc, châm cứu, yoga…

Hiện tại, rất ít người bệnh điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ có hiệu quả trên những bệnh chèn ép thần kinh nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lý trị liệu như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gãy xẹp đốt sống do loãng xương, u tủy...

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Viết Thắng, Chuyên khoa Ngoại Thần Kinh, khuyên mọi người nên phòng tránh đau lưng sớm bằng cách cải thiện điều kiện thể chất, thực hành vận động thích hợp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, tư thế đứng và ngồi đúng, kiểm soát cân nặng ở mức bình thường, không hút thuốc lá. Bệnh nhân đã bị đau mạn tính, đặc biệt là người lớn tuổi và nữ giới, cần hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tiến triển nặng như hút thuốc lá, béo phì, đồng thời tránh các lao động vất vả, lo âu, trầm cảm.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi



from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2bLgdXQ


EmoticonEmoticon