Mới đây, Đơn vị Can thiệp Nội mạch Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) cho biết, nơi đây vừa cứu sống thành công một trường hợp bệnh nhân nước ngoài bị nhồi máu cơ tim rất nặng.
Sau buổi ăn chiều, ông B.H.B (59 tuổi, quốc tịch Singapore) bất ngờ lên cơn đau ngực dữ dội sau xương ức. Mãi đến 30 phút sau khi cơn đau vẫn không dứt, bệnh nhân mới được đưa đi cấp cứu, khi đến BV thì đã bất tỉnh, ngưng tim 3 phút trước. Lúc này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp không đo được, điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị rung thất – tim gần như ngừng đập.
Ảnh chụp phim cho thấy tình trạng nhồi máu cơ tim nặng của bệnh nhân người Singapore.
Ngay lập tức, các BS BV An Bình đã nhanh chóng xử trí cấp cứu người bệnh bằng sốc điện, đặt nội khí quản để thở máy, dùng các thuốc điều trị rối loạn nhịp, các thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau 15 phút hồi sức tích cực, tim người bệnh đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, đo điện tâm đồ thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới. Tình trạng của người bệnh rất nguy kịch, nếu không được can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc thì gần như là khả năng tử vong rất là cao.
Chính vì vậy, các y bác sĩ BV An Bình ngay lập tức thông báo với y bác sĩ can thiệp nội mạch của BV ĐHYD qua điện thoại, quyết định chiến lược điều trị tiếp theo là chuyển khẩn người bệnh qua BV ĐHYD để can thiệp mạch vành cấp cứu.
Các BS BVĐHYD tiến hành can thiệp tim mạch cho bệnh nhân.
Sau can thiệp, các mạch máu đã được thông lại.
Chiều cùng ngày, người bệnh được chuyển gấp đến khoa Cấp cứu BV ĐHYD. Đơn giản đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, chỉ trong 15 phút đồng hồ, người bệnh được chuyển lên phòng DSA để được Can thiệp đặt stent cấp cứu mạch vành qua da và sau đó là thủ thuật nong bóng. Chỉ trong thời gian cửa bóng (từ lúc người bệnh đến cửa BV cho đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng để tái thông lại mạch máu) là 60 phút, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được điều trị và theo dõi tại BV.
BS Trần Hoà chia sẻ về ca bệnh.
ThS BS. Trần Hòa – Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch nhận định: "Trong tình huống này, người bệnh đã rất may mắn vì đã đến BV An Bình sớm để được xử trí ban đầu tốt cũng như được chuyển viện kịp thời đến nơi có đầy đủ các phương tiện và đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ. Nếu người bệnh đến trễ quá 12 tiếng thì cơ hội can thiệp thành công sẽ không còn nữa".
PGS TS BS. Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Phó Giám đốc BV ĐHYD cho biết, vấn đề thành công trong điều trị những bệnh này là người bệnh đến sớm, cũng như sự hợp tác, phối hợp nhịp nhàng giữ các khoa, các BV với nhau đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện tại, Trung tâm tim mạch BV ĐHYD đã liên kết với nhiều bệnh viện tại địa phương cũng như bố trí đội ngũ ekip chuyên môn trực 24/7, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 1- 2 trường hợp chuyển viện cấp cứu.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp là kết quả của sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn lưu lượng máu đến nuôi động mạch vành thường do huyết khối. Ở đàn ông và phụ nữ lớn tuổi thường do vỡ mãng xơ vữa trong khi ở phụ nữ trẻ thường do loét mảng xơ vữa. Những người có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này là nam giới, người lớn tuổi, gia đình có người mắc bệnh sớm, hút thuốc lá, lối sống thiếu vận động thể lực, yếu tố tâm lý, béo phì hay thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường,…
PGS TS BS. Trương Quang Bình chia sẻ các dấu hiệu và cách xử trí khi có người bị nhồi máu cơ tim.
Các BS cho biết, hiện nay NMCT đang có dấu hiệu trẻ quá, vì cuộc sống hối hả, hiện đại khiến con người cũng căng thẳng, mệt mỏi hơn. Biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính. Cụ thể như đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm, vai hoặc tay trái; cảm giác nghẹn – thắt chặt hay đè ép; đau ngực dữ dội cơn đau kéo dài hơn 30 phút. Các triệu chứng đi kèm như người bệnh thường vã mồ hôi, khó thở, có thể có ngất. Nặng hơn, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, choáng tim và đột tử.
Do đó, các BS khuyên người dân khi có các triệu chứng gợi ý như trên, đặc biệt là cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10 – 20 phút không đỡ thì nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
EmoticonEmoticon