Giày dép từ lâu đã gắn liền với đời sống con người và là món phụ kiện thời trang không thể thiếu của mỗi chúng ta. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ, giày dép chính là niềm kiêu hãnh và mang lại cho họ sự tự tin mỗi khi bước ra đường. Thế nhưng, một số người lại mải chạy theo sở thích mà xem nhẹ lợi ích bảo vệ đôi chân của giày dép. Sau đây chính là những 7 loại giày dép mà chúng ta tuyệt đối không nên sử dụng theo lời khuyên của bác sĩ Hillary Brenner, phát ngôn viên của Hiệp hội Y tế Trị bệnh về chân tại Mỹ.
Giày siêu cao gót
Cuộc sống hiện đại ngày nay, phụ nữ rất ưa chuộng những đôi giày hỗ trợ chiều cao tối đa. Đây là lý do giày siêu cao gót ra đời và nhận được phản ứng tích cực từ người mua. Không thể phủ nhận đây là món phụ kiện “ăn gian” chiều cao và mang lại sự tự tin cho chị em nhưng đồng thời, nó cũng chứa đựng rất nhiều mối hiểm họa như chấn thương mắt cá chân hay những cơn đau kinh niên.
(Ảnh: webmd)
Bất kể cao ngất ngưỡng hay vừa phải, những đôi giày này đều gây sưng đau nơi gót chân, thậm chí còn gây biến dạng khung xương. Giày siêu cao gót tạo nên sức ép lên xương, dẫn đến viêm gân gót cổ chân và các dây thần kinh xung quanh. Ngoài ra, các ngón chân bị cố định vào một vị trí thời gian dài có nguy cơ bị biến dạng nghiêm trọng và nặng hơn là bị gãy xương chân tóc.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đôi chân, các chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên mang giày cao 5 phân. Giày càng thấp, các ngón chân càng ít chịu áp lực và không bị biến dạng.
Giày gót nhọn
Đây cũng là mẫu giày “chết người” không kém so với giày siêu cao gót phía trên. Bác sĩ Brenner cho biết: “Khi đi chúng, tất cả trọng lượng cơ thể của bạn sẽ dồn vào một điểm. Điều đó gây cản trở cho việc di chuyển, dễ trượt ngã và trẹo mắt cá chân”.
(Ảnh: Internet)
Cũng với chiều cao tương tự nhưng giày bản to có bề mặt tiếp xúc với mặt đất lớn, phân bổ trọng lượng cơ thể đều hơn. Mặc dù vẫn gây ra áp lực lên đôi chân nhưng giày bản to có thể giảm nguy cơ té ngã nhờ khả năng mang lại thăng bằng cho đôi chân.
Giày búp bê
Đối với Brenner, việc mang giày búp bê chẳng khác gì cảm giác đi trên miếng bìa cạc tông bởi cung bàn chân không nhận được bất kì sự hỗ trợ nào khi di chuyển. Điều này có thể dẫn đến những cơn đau lưng, đầu gối và hông. Cung bàn chân không được nâng tốt cũng liên quan đến bệnh đau nhức bàn chân gọi là bệnh viêm mạc gan bàn chân.
(Ảnh: webmd)
Nếu yêu thích những chiếc giày búp bê xinh xắn, bạn có thể sử dụng miếng lót định hình để làm giảm những cơn đau nhức do chúng mang đến. Dụng cụ hỗ trợ này được các bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng vì vừa hỗ trợ cung bàn chân, vừa giảm áp lực lên những vùng nhạy cảm khác của chân.
Dép xỏ ngón
Đây là phụ kiện được đông đảo chị em yêu thích bởi sự tiện lợi và thoải mái. Song, chỉ cần nhìn bề ngoài dép xỏ ngón cũng đủ thấy được sự thiếu an toàn trong việc bảo vệ đôi chân của chúng ta. Người bị tiểu đường được khuyên không nên mang dép xỏ ngón, bởi chỉ các vết đứt hoặc cọ quẹt nhẹ có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Cũng giống như giày búp bê, dép xỏ ngón không hỗ trợ nâng cung bàn chân dẫn đến những cơn đau nhức đầu gối, hông, lưng và viêm dây chậu.
(Ảnh: webmd)
Hãy tránh xa tất cả những nguy cơ ấy bằng cách chọn cho mình đôi dép đế dày được thiết kế dành cho mục đích tập luyện thể thao. Bác sĩ Brenner khẳng định đế dày giúp duy trì khoảng cách giữa chân với mặt đất và nhất là hỗ trợ cung bàn chân tốt hơn.
Giày đế xuồng
Chiếc đế quá cứng của những đôi giày này làm mất đi cơ chế sinh học của việc đi bộ. Trong khi bàn chân của chúng ta cố gắng uốn cong trong từng bước đi thì đôi giày này lại ngăn cản quá trình ấy. Nếu gót giày đế xuồng cao hơn nhiều so với phần mũi thì giày cũng đè áp lực lên các xương bàn chân.
(Ảnh: webmd)
Mặc dù không hẳn là sự thay thế an toàn nhưng với những bạn yêu thích giày đế xuồng, có các chuyên gia khuyên rằng nên dùng giày không quá cao và đế tương đối phẳng để hạn chế tối đa áp lực lên bàn chân. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên lưu ý rằng đế cứng của loại giày này hoàn toàn không hề tốt cho việc đi lại quá nhiều.
Giày mũi nhọn
Đây chính là kiểu giày hợp thời và cá tính nhất được nhiều bạn gái săn đón nhưng chiếc mũi nhọn lại khiến toàn bộ phía trước bàn chân chúng ta siết chặt lại với nhau. Sử dụng trong thời gian dài, đôi giày này có thể gây đau dây thần kinh, viêm bao hoạt dịch ngón cái, phồng giộp và ngón chân bị khoằm xuống.
Do đặc tính mũi nhọn, loại giày này ôm chặt vào mũi chân. Phần đế càng cao, áp lực dồn lên các ngón chân càng lớn, lâu ngày sử dụng có thể gây biến dạng ngón chân. Một số trường hợp nghiêm trọng phải trải qua các cuộc phẫu thuật cần thiết để giảm bớt cơn đau.
(Ảnh: internet)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh về chân do giày mũi nhọn gây ra đến từ chất liệu da giày. Brenner khuyên chúng ta nên sử dụng những loại giày mềm và có độ co dãn tốt giúp các ngón chân có không gian “thở”. Bên cạnh đó, thay vì những chiếc giày mũi nhọn hoắt, bạn có thể cân nhắc thay thế bằng loại mũi bo tròn ôm nhẹ vào chân.
Giày sai kích thước
Trong số 10 người thì có đến 9 người có xu hướng mua giày số nhỏ hơn chân và gặp khá nhiều vấn đề bất ổn cho hệ thống xương khớp, tổn thương khớp và hình thành tư thế đi lại không đúng. Nghiên cứu cho thấy rất nhiều trẻ em cũng rơi vào trường hợp tương tự và nó ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình bàn chân khi chúng trưởng thành.
(Ảnh: Internet)
Trước khi quyết định mua giày, bạn nên cẩn thận đo chiều dài và rộng của bàn chân vào cuối ngày trong tư thế đang đứng để có kết quả chính xác. Đối với những trường hợp lòng bàn chân phẳng hay cung bàn chân quá lớn, tốt nhất nên nhận sự tư vấn của các chuyên gia. Việc sử dụng giày dép hợp lý giúp chúng ta tránh được tình trạng mài mòn không cần thiết các khớp của bàn chân.
Tóm lại, giày dép là phụ kiện được sử dụng tùy theo sở thích cá nhân nhưng các bạn cũng không nên bỏ qua những nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khỏe đôi chân và những bộ phận khác liên quan. Sau đây chính là 3 mẹo chọn giày phù hợp được bác sĩ Brenner đưa ra:
- Đảm bảo phần mũi giày mềm mại, ôm đầu ngón chân và gập cong phần mũi nhưng không nên quá mềm.
- Phải chắc chắn rằng cung bàn chân được nâng và hỗ trợ đầy đủ trong quá trình di chuyển.
- Chiều cao an toàn nhất là không quá 5 phân.
(Nguồn: webmd)
EmoticonEmoticon