Salmonella là một trong những loại vi khuẩn có trong thực phẩm, môi trường... Vậy salmonella thường chứa trong những nguồn thực phẩm nào nữa và nguy hiểm đến đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu về con vi khuẩn này từ những thông tin được Webmd, CDC khẳng định:
Nhiễm khuẩn salmonella là gì?
Nhiễm khuẩn salmonella là một dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella gây nên. Vi khuẩn salmonella là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, thương hàn nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể như máu, xương, khớp xương.
Bạn có khả năng lây nhiễm khuẩn salmonella qua những nguồn nào?
Bạn có thể bị nhiễm khuẩn salmonella do ăn thực phẩm bị nhiễm loại vi khuẩn này. Điều này có thể xảy ra như sau:
- Thực phẩm bị ô nhiễm trong quá trình chế biến hoặc xử lý.
- Thực phẩm bị ô nhiễm do không rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn.
- Những loại gia súc, gia cầm như gà, vịt có khả năng chứa khuẩn Salmonella nhiều hơn cả. Do đó, sau khi tiếp xúc với những loài vật này, nhất là trẻ nhỏ, cần được rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thật sạch.
- Thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm nói chung, sữa, trứng thường bị nhiễm salmonella. Rau cũng có thể bị ô nhiễm. Thậm chí, đất cũng có thể bị nhiễm salmonella.
Bạn có thể bị nhiễm khuẩn salmonella do ăn thực phẩm bị nhiễm loại vi khuẩn này.
Người bị nhiễm khuẩn salmonella thường gặp phải những triệu chứng gì?
Các triệu chứng của người bị nhiễm khuẩn salmonella bao gồm tiêu chảy, sốt, chuột rút, đau bụng. Khuẩn salmonella phát triển từ 12-72h sau khi nhiễm trùng, bệnh thường kéo dài 4-7 ngày. Hầu hết mọi người đều tự bình phục, không cần điều trị. Tuy nhiên, tiêu chảy và mất nước quá nhiều thì rất nguy hiểm, có thể cần nhập viện nếu không sẽ tử vong. Người có nguy cơ cao nhất mắc bệnh là người già, trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch yếu.
Nếu bạn chỉ bị tiêu chảy, bạn sẽ nhanh chóng bình phục mặc dù thực tế hoạt động tiêu hóa ổn định hoàn toàn phải mất đến vài tháng. Một số người bị nhiễm khuẩn salmonella có thể bị viêm khớp phản ứng, cơn đau khớp kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều năm, dẫn đến viêm khớp mãn tính.
Nhiễm khuẩn salmonella được chẩn đoán thế nào?
Người bị nhiễm khuẩn salmonella được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và thăm khám sức khỏe thực tế. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, thực phẩm bạn vừa mới ăn, môi trường làm việc và nơi ở của bạn. Xét nghiệm phân và máu cũng có thể được thực hiện để chắc chắn bạn có nhiễm khuẩn salmonella hay không.
Người bị nhiễm khuẩn salmonella được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và thăm khám sức khỏe thực tế.
Điều trị cho người bị nhiễm khuẩn salmonella
Mất nước do tiêu chảy là biến chứng phổ biến nhất. Việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết, trừ khi bệnh nhân bị nhiễm trùng lây lan. Để ngăn ngừa mất nước, hãy uống nước thường xuyên. Cố gắng uống nhiều với những cốc nước dạng lớn để bù đắp mất nước cho cơ thể. Lưu ý là bạn sử dụng nước lọc sạch, đã được tiệt trùng để uống. Không nên thay thế nước lọc bằng soda, nước ép trái cây vì chúng có quá nhiều đường, không đủ chất điện giải quan trọng bù đắp khi bạn bị tiêu chảy.
Cố gắng ăn uống như chế độ ăn bình thường. Chế độ ăn thông thường sẽ giúp cơ thể bạn có đầy đủ chất dinh dưỡng. Các chuyên gia bác sĩ tin rằng chế độ ăn uống bình thường sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn, chóng khỏi bệnh hơn. Tránh ăn thực phẩm cay, nóng, uống rượu, cà phê trong 2 ngày sau khi tất cả các triệu chứng đã biến mất.
Không ăn trứng sống hoặc nói chung là những thực phẩm chưa được nấu chín để ngăn chặn nhiễm khuẩn salmonella.
Làm thế nào để ngăn ngừa khuẩn salmonella?
- Không ăn trứng sống hoặc nói chung là những thực phẩm chưa được nấu chín.
- Nấu thực phẩm cho đến khi chín kỹ, có thể sử dụng nhiệt kế thịt để đảm bảo thịt được nấu chín an toàn. Không dựa vào tiêu chí màu sắc cảm tính như thịt hết màu đỏ, màu hồng là an toàn cho sức khỏe.
- Tránh uống sữa tươi hoặc các loại sữa chưa được chứng nhận tiệt trùng.
- Lột bỏ vỏ, gọt sạch vỏ của các loại củ quả trước khi ăn hoặc nấu chín.
- Tránh lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm. Để riêng phần thịt nấu chín với thịt chưa nấu chín. Rửa sạch sẽ tay, thớt, dao, dụng cụ nấu nướng nói chung sau khi nấu ăn xong.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, trước khi nấu nướng và sau khi nấu ăn.
- Không chuẩn bị thức ăn hoặc đổ nước cho người khác khi bạn bị salmonellosis.
- Rửa tay của bạn sau khi tiếp xúc với phân động vật, nhất là đối với loài bò sát.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học bách khoa Hà Nội), vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn. Vi khuẩn này nếu ở trong thịt không đáng lo ngại vì nấu ở nhiệt độ cao vi khuẩn sẽ chết.
Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn từ thịt có thể bám sang các đồ dùng khác thậm chí tay người nấu nướng. Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.
(Nguồn: Webmd, Cdc)
EmoticonEmoticon