Quan điểm về sự khỏe mạnh ngày nay đã hoàn toàn khác. Tăng mức độ và cường độ tập luyện không chỉ giảm nguy cơ tử vong sớm, mà còn giúp bạn:
- Sở hữu thân hình cân đối hơn, khỏe mạnh dài lâu hơn, giảm thời gian phụ thuộc của bạn vào người khác.
- Có vẻ ngoài tươi trẻ hơn so với tuổi thực của bạn.
Trong cuốn sách mới nhất của mình "Sod Sitting, Get Moving", mỹ nhân 77 tuổi, ngôi sao truyền hình vốn được mệnh danh là "Nữ hoàng Xanh" Diana Moran, đã tiết lộ bí quyết đơn giản giúp bạn trẻ hơn 10 tuổi mà không cần phải đến phòng tập thể hình hay ăn kiêng. Nó bao gồm một loạt động tác được thiết kế dành riêng cho những người ít vận động có thể tập trong sự thoải mái của không gian phòng khách, thậm chí vẫn có thể tập dù bạn thường xuyên phải ngồi lâu một chỗ.
Không ít người đưa ra vô vàn lý do để bao biện cho việc mình không thể tập thể dục. Thế nhưng Diana Moran lại cho rằng, nếu làm được 3 việc dưới đây thì bạn sẽ có vẻ ngoài tươi trẻ hơn rất nhiều khi tuổi tác ngày một tăng lên.
1. Đừng đổ lỗi cho việc không có thời gian, tiền bạc để tập luyện
Chính bạn là người quyết định việc quản lý thời gian sao cho tốt hơn. Vì vậy, để loại bỏ cái cớ rất hay gặp này, nên chú ý tới bản thân bạn nhiều hơn một chút. Chỉ cần 10 phút mỗi sáng là đủ thời gian để tập bài tập theo gợi ý của Diana Moran. Thêm 10 phút đi bộ nhanh 1 lần, tốt hơn là 2 lần và tốt nhất là 3 lần/ngày. Ai lại không có nổi 20 phút rảnh rỗi chứ?
Bạn không cần bỏ tiền ra mua bất cứ vật dụng, thậm chí, loại quần áo đặc biệt nào để tập. Chỉ cần có tinh thần vận động và lựa chọn trang phục phù hợp là được.
Hãy nghĩ về tập luyện như một cách rèn luyện bản thân cho nhiều năm sắp tới. Các vận động viên rèn luyện để tham dự Olympics. Bạn thì đang rèn luyện để chuẩn bị cho tương lai của chính mình khi bước vào độ tuổi 70, 80, 90. Nếu có thể, nên tập với 1 hoặc 2 người bạn, dù là ở nhà. Họ có cảm nhận như bạn, vậy là bạn đã có một nguồn hỗ trợ, động lực, thêm một chút ganh đua lành mạnh rất có ích nữa.
2. Chiến đấu chống lại quá trình lão hóa
Hình ảnh cuộc đời từ những năm 40 tuổi trở đi thường gắn liền với bệnh tật, sự trì trệ, sự phụ thuộc và chứng mất trí nhớ là sai lầm. Tất nhiên, bạn có thể sẽ chậm hơn một chút bởi cặp hông chảy xệ; bạn có thể trở nên dễ quên hơn một chút hoặc bị mắc một chứng bệnh khá nặng nào đó như viêm khớp hay tiểu đường.
Nếu có gì đó không ổn xảy ra, một số người, thật đáng buồn là trong đó có cả bác sĩ, thường nói: "Do tuổi tác mà" hay tệ hơn "Tuổi cao thế rồi thì ông/bà còn mong chờ gì nữa chứ?".
Những lời này là biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt đối xử do tuổi tác. Sở dĩ, người ta có thể thốt lên những câu nói trên là do niềm tin sai lầm rằng, mọi vấn đề sức khỏe nảy sinh là do quá trình lão hóa. Niềm tin này lan rộng và ảnh hưởng tới nhiều người cao tuổi, khiến họ không biết về lợi ích tuyệt vời của việc tập luyện.
Bản thân lão hóa không phải là nguyên chính gây tình trạng tật nguyền. Nhiều rắc rối bị quy cho là do lão hóa thực chất là do thiếu vận động và những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Thực tế là, ngay cả khi bạn đã bước qua tuổi 60, bạn vẫn có thể lấy lại sự cân đối và khỏe mạnh nếu vận động tốt và ăn uống lành mạnh.
3. Ăn uống phù hợp
"Ăn kiêng" không có nghĩa là để thon thả theo nghĩa đen của từ này. Nhưng khi già đi, nhu cầu về dinh dưỡng và các yêu cầu về chế độ ăn cũng thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu là người lớn tuổi, lượng vận động giảm đi nên nhu cầu calo cũng giảm theo.
Hội chứng trao đổi chất - sự kết hợp giữa thừa cân, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và cholesterol cao – là vấn nạn đang ngày càng phổ biến ở những người có tuổi. Nhưng tin tốt là thay đổi trong chế độ ăn và việc tập luyện sẽ giúp bạn đảo ngược tình thế.
Trung bình, nam giới trên 60 tuổi cần 2.000 calo/ngày, nữ giới khoảng 1.600 calo/ngày. Tuy nhiên, hấp thụ ít calo hơn một chút không đồng nghĩa với việc bạn cần ăn kiêng hay phải loại bỏ toàn bộ thực phẩm yêu thích khỏi bữa ăn hàng ngày.
4. Không nhất thiết phải từ bỏ mọi chất béo
Chế độ ăn kiêng ít béo đã thực sự lùi xa vào dĩ vãng. Chất béo trong thực phẩm cung cấp omega-3 và axit béo không sản sinh cholesterol, omega-6 thiết yếu - đây là trợ thủ cho trái tim khỏe mạnh - và không thể không kể tới vitamin A, D, E có thể tan trong mỡ, vốn rất tốt cho da, xương và sức khỏe nói chung của bạn.
Chất béo nên chiếm 20-35% lượng calo nạp vào mỗi ngày của bạn. Cụ thể, với một người đàn ông áp dụng chế độ ăn 2.000 calo/ngày, cần 44g tới 78g chất béo (khoảng 4 thìa dầu ô-liu).
Hãy chọn những chất béo đơn không bão hòa "tốt", có trong dầu ô-liu, trái bơ, quả hạch, hạt và dầu hạt cải dầu. Bạn vẫn có thể ăn bơ nhưng với lượng vừa phải và chỉ phết một lớp thật mỏng thôi.
Một số nghiên cứu mới đây đã vạch trần độ chính xác của thông tin khoa học cũ cho rằng, nhu cầu protein giảm dần theo tuổi tác. Hiện nay, người trên 60 tuổi được khuyến nghị nên ăn nhiều protein hơn so với người trưởng thành trẻ tuổi (khoảng 50g/ngày). Có thể hấp thu protein từ nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (gạo, đậu phụ, đậu đỗ, đậu lăng, quả hạch, hạt).
Với trái cây và rau, những người áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải - được chứng minh là sở hữu sức khỏe tốt lâu dài - thường ăn 7 hoặc nhiều hơn 7 khẩu phần/ngày. Khi bạn già đi, nên đặt mục tiêu ăn khoảng 5 khẩu phần trái cây và rau/ngày.
Thông điệp chủ chốt là: Tuỳ chỉnh lượng calo nạp vào theo tuổi tác và mức độ vận động; giảm hấp thụ đường, muối, đồ ăn chế biến sẵn ở bất cứ tuổi nào. Cuối cùng, ăn ít thịt đỏ - khoảng 4 lần/tháng - và thách thức bản thân bằng cách ăn nhiều cá và gà hơn.
(Tồng hợp: DailyMail/Health)
EmoticonEmoticon