Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Tin Sức Khỏe Cái chết đáng tiếc của cậu bé 2 tuổi chỉ vì một bệnh phổ biến nhưng lại được chẩn đoán quá muộn màng

Đây là câu chuyện của bà mẹ trẻ đến từ tiểu bang Indiana, Mỹ về Grayson – cậu con trai qua đời khi vừa tròn 2 tuổi bởi một căn bệnh khá phổ biến nhưng lại khiến các bác sĩ bối rối vì không thể đưa ra kết luận và phương pháp chữa trị kịp thời.

Vào một ngày tháng 8/2016, Grayson bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn mửa kèm tiêu chảy và được bố mẹ nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi siêu âm bụng và chụp X-quang ngực, các bác sĩ vẫn không thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo của cậu bé. Grayson ban đầu được chẩn đoán mắc bệnh cúm dạ dày, bác sĩ cho rằng phần ruột bên trong cơ thể bị gập lại. Hồi sau, họ lại kết luận cậu bé bị đau ruột thừa.

Các bác sĩ liên tục đưa ra những phán đoán không chính xác trong khi bệnh tình Grayson vẫn không có tiến triển tích cực và cơn đau vẫn đang hành hạ cậu bé tội nghiệp. Cuối cùng, bác sĩ khẳng định Grayson mắc phải hội chứng dung huyết và suy thận (HUS). Căn bệnh này gây ra bởi vi khuẩn E.coli khi một bệnh nhiễm trùng trong hệ thống tiêu hóa sản xuất ra độc tố phá hủy các tế bào hồng cầu và gây tổn thương cho thận.

Cái chết đáng tiếc của cậu bé 2 tuổi chỉ vì một bệnh phổ biến nhưng lại được chẩn đoán quá muộn màng - Ảnh 1.

Grayson tươi cười bên cạnh bố mẹ trước khi qua đời vì hội chứng dung huyết và suy thận (Ảnh: Internet)

Hội chứng dung huyết và suy thận còn được Tổ chức thận Canada gọi tắt là “bệnh hamburger” bởi trong lúc xay thịt, vi khuẩn E.coli xuất phát từ phân bò có thể bị trộn vào bên trong thịt. Bởi thế nên thịt xay, thịt bằm hay thịt hamburger dễ nhiễm khuẩn E.coli nhất so với các loại thịt khác. Mùa hè, người dân phương Tây hay tổ chức cắm trại nướng thịt ngoài trời, bệnh ngộ độc thực phẩm cũng thường xảy ra vào thời điểm này.

Tất cả người khỏe mạnh đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.coli. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tổ chức thận Canada từng đưa ra lời cảnh báo rằng hội chứng dung huyết và suy thận chính là mối đe dọa lớn gây ra bệnh suy thận mãn tính đối với trẻ em ở xứ sở lá phong đỏ.

Về vi khuẩn E.coli, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Canada cho biết không nên dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng bởi việc này chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng dung huyết và suy thận. Phương pháp điều trị phổ biến được các chuyên gia khuyên dùng là tái hydrat hóa. Các bác sĩ cũng áp dụng phương pháp ấy lên cơ thể Grayson nhưng thời điểm đó, mọi thứ đã quá muộn.

Trong khi chờ đợi phẫu thuật và chạy thận, tim của Grayson đã ngừng đập. Cô Dunham cho biết lúc ấy có hơn 20 vị bác sĩ thay phiên nhau thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) trong suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng tất cả sự nỗ lực ấy chỉ đổi lại âm thanh đau lòng phát ra chiếc máy đo nhịp tim bên cạnh đứa con trai bé bỏng của cô. Vi khuẩn đã lây nghiễm quá nghiêm trọng trong cơ thể nhỏ bé của Grayson buộc cậu bé phải chịu thua trước cuộc chiến với tử thần và từ bỏ cơ hội khám phá thế giới muôn màu này ở tuổi lên 2.

Cái chết đáng tiếc của cậu bé 2 tuổi chỉ vì một bệnh phổ biến nhưng lại được chẩn đoán quá muộn màng - Ảnh 2.

Cậu bé phải chịu thua trước cuộc chiến với tử thần và từ bỏ cơ hội khám phá thế giới muôn màu này ở tuổi lên 2. (Ảnh: Internet)

Sau mất mát quá lớn, cô Dunham quyết định chia sẻ câu chuyện của Grayson với tờ Today với hi vọng các bậc phụ huynh sẽ không ai rơi vào hoàn cảnh như cô. Đến nay, mọi người vẫn không rõ nguyên nhân từ đâu khiến cậu bé xấu số bị nhiễm khuẩn, chỉ biết trước khi phát bệnh, Grayson đã cùng bố mẹ ghé thăm hội chợ, nhà hàng và vườn thú cưng.

Câu chuyện chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh lẫn bác sĩ khoa nhi. Cơ thể trẻ em mỏng manh, dễ mắc bệnh và chúng cũng chưa thể ý thức được hậu quả đến từ những hành động vô tư của mình. Thế nên, bố mẹ phải luôn ở bên cạnh và bảo vệ con tránh khỏi những nguy hiểm có thể đến từ bất cứ nơi đâu. Kết quả buồn của Grayson một phần cũng do trách nhiệm của bác sĩ khi không chẩn đoán chính xác căn bệnh của cậu bé ngay từ đầu để rồi khi tìm ra phương pháp cứu chữa, tất cả lại quá muộn. Hi vọng trong tương lai sẽ không có bất kì một đứa bé nào rơi vào hoàn cảnh đáng buồn như gia đình cô Dunham.

(Nguồn: growingyourbaby)



EmoticonEmoticon