Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thời tiết miền Nam đã bước sang giai đoạn nắng nóng, oi bức. Đây cũng là thời điểm gia tăng dịch bệnh. Ghi nhận riêng tại phòng khám Tai Mũi Họng, số lượng người đến khám bệnh viêm tai ngoài tăng đột biến với hơn 100 ca mỗi ngày, nguyên nhân phần lớn là đi bơi ở hồ quá nhiều.
Bác sĩ Hữu đang khám cho bệnh nhân bị viêm tai. Ảnh: TT. |
Bác sĩ Hữu giải thích viêm ống tai ngoài (hay viêm tai) là tình trạng viêm, phản ứng kích thích hoặc nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. Khi trong ống tai ngoài ứ đọng nước, vi khuẩn và vi nấm có điều kiện thuận lợi để phát triển gây nên bệnh viêm tai ngoài (viêm ống tai ngoài). Bệnh này gây ra triệu chứng ngứa, đau tai, thường xảy ra ở người thường để nước ứ đọng trong tai hoặc người hay đi bơi.
Bác sĩ khuyên người bệnh khi có những triệu chứng viêm tai ngoài nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và điều trị sớm, để càng lâu tình trạng nhiễm trùng càng nặng hơn, như trường hợp một nữ bệnh nhân 30 tuổi tại TP HCM. Chị chia sẻ gần đây thời tiết quá nóng nên thường xuyên ghé hồ bơi gần nhà để thư giãn, trung bình 3 lần trong tuần. Ban đầu người phụ nữ cảm thấy ngứa và đầy tai gây khó chịu. Chị không đi khám mà tự chăm sóc bằng cách dùng tăm bông để vệ sinh, tình trạng nặng hơn nên mới đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Hữu nhận định người bệnh bị viêm tai ngoài mà không chữa ngay lại dùng tăm bông ngoáy tai càng làm lớp da ngoài tổn thương sâu hơn, gây đau, tiết dịch. Ban đầu chỉ là thanh dịch, sau đó dịch đặc lại làm tình trạng viêm tai kéo dài. Rất may người bệnh đến chữa trị kịp thời, nếu để lâu hơn nữa sẽ bị nhầy mủ và bội nhiễm nhiều hơn.
Theo bác sĩ Hữu, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh, bên cạnh tình trạng tích tụ nước trong tai, những nguyên nhân khác gây viêm tai ngoài bao gồm môi trường nóng, ẩm. Bệnh cũng tăng ở những người có thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai bằng dụng cụ cứng gây các sang thương ống tai ngoài, da ống tai bị khô, vật lạ trong ống tai ngoài, bệnh chàm hoặc một số bệnh lý ngoài da.
Những triệu chứng thường gặp của viêm ống tai ngoài là đỏ da ống tai ngoài, ngứa trong tai, đau tai, đặc biệt khi đụng vùng dái tai. Đau có thể lan đến vùng cổ, mặt, hoặc vùng đầu. Bệnh nhân bị chảy dịch tai (cảm giác có nước trong tai), phù nề tuyến vùng cổ hoặc quanh tai, sưng nề vùng ống tai ngoài; nghe kém; cảm giác đầy - nặng trong tai hay sốt. Những triệu chứng viêm ống tai nói trên cũng có thể có trong một số bệnh khác, do vậy người bệnh cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định chẩn đoán.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyên mọi người nên dùng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm. Lúc bơi xong, lên bờ cần nghiêng đầu sang bên để nước chảy ra. Có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh. Lưu ý: Giữ khoảng cách giữa máy sấy tóc và đầu trong khoảng 30 cm, máy sấy tóc được đặt từ phía sau thổi luồng hơi ra phía trước và thường xuyên di chuyển, không nên giữ yên một chỗ.
Với những người từng bị viêm tai, để tránh tái phát, không nên dùng tăm bông ráy tai làm sạch ống tai. Sử dụng bông ráy tai không đúng cách có thể đẩy chất bẩn từ phía ngoài và ráy tai vào bên trong ống tai tạo điều kiện cho bệnh viêm tai ngoài phát sinh và phát triển, bác sĩ Hữu khuyến cáo.
Xem thêm bài kiểm tra 2 cấp độ thính giác của đôi tai
Đối chiếu với kết quả kiểm tra tuổi đôi tai
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2o4Jwel
EmoticonEmoticon