Ngày 20/3, chị Hạnh xuất viện với niềm hạnh phúc vô bờ khi không còn phải mang bộ ngực khổng lồ. "Đã có lúc tôi nghĩ mình phải sống suốt đời với bộ ngực lớn khủng này. Giờ đây tôi đã có thể trở về với vóc dáng bình thường, không còn tự tin, khổ sở, không dám ra khỏi nhà như trước", bà mẹ hai con chia sẻ.
Năm 2003 sau khi sinh con đầu lòng, chị Hạnh 42 tuổi thấy vú to lên bất thường. Bác sĩ cảnh báo chị có triệu chứng phì đại tuyến vú song chị không đi khám vì chưa thấy bất tiện. Đến năm 2009, chị sinh bé thứ 2 thì ngực tiếp tục to lên. 6 tháng gần đây ngực to nhanh bất thường, khiến chị khó thở, tê bì tay, gù lưng, cảm thấy không tự tin… Chị lại mắc bệnh hen, bộ ngực quá khổ càng khiến khó thở hơn nên mới quyết định đi khám.
Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội) phẫu thuật và tạo hình, trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết bệnh nhân mắc chứng phì đại tuyến vú. Bác sĩ đã cắt bỏ 2 bên ngực mỗi bên nặng 1,9 kg và 1,5 kg, đồng thời tạo hình lại vú cho bệnh nhân.
Trước đây những trường hợp tương tự bác sĩ chỉ cắt ngực để làm giảm thể tích rồi cắt rời núm vú và ghép lại. Cách này không bảo tồn được tuyến sữa cũng như cảm giác của quầng và núm vú. Hiện nay với phương pháp mới, bệnh nhân được phẫu thuật giữ lại nguyên hình dạng phần quầng núm vú, bảo toàn được cảm giác và khả năng tiết sữa của vú. Khả năng tái phát bệnh cũng không còn.
Bác sĩ khuyến cáo, khi mắc chứng phì đại tuyến vú, người bệnh cần được xử lý sớm. Bộ ngực phát triển quá nặng sẽ kéo trọng tâm cơ thể về phía trước, về lâu dài có thể gây cong vẹo và biến dạng cột sống, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não…
Bệnh phì đại tuyến vú hay gặp ở người tuổi 18-20 hoặc sau khi sinh nở mà nguyên nhân là rối loạn hormone (thường có tính gia đình). Thông thường mỗi bên vú ở phụ nữ nặng 300-350 g, trường hợp bị phì đại có thể tăng tới 1,5-4 kg, dài 30-50 cm.
Các bác sĩ từng phẫu thuật cho bệnh nhân có bộ ngực dài đến 55 cm nặng hơn 4 kg.
Hà An
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2n2OSn3
EmoticonEmoticon