Viêm thanh quản không chỉ khiến bạn gặp khó chịu mà còn giảm khả năng giao tiếp đáng kể. Giọng nói khàn và khó khăn là những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng này không gây nên cho bạn cảm giác đau đớn tại khu vực vùng họng. Thông thường, viêm thanh quản thường xuất hiện cùng với viêm họng và đó mới là tác nhân mang đến những cơn đau khó chịu.
Brett Comer, chuyên viên y khoa Tai Mũi Họng tại Viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Kentucky cho biết, những triệu chứng của viêm họng và viêm thanh quản thường chồng chéo lên nhau dẫn tới khó xác định tình trạng. Trên thực tế, thủ phạm của hiện tượng đau họng khi nuốt hoặc khi ho là viêm họng chứ không phải viêm thanh quản như nhiều người vẫn tưởng.
Viêm thanh quản mãn tính có thể bắt nguồn từ dị ứng, viêm nhiễm hoặc hút thuốc lá. Tuy vậy, hiện tượng này cũng có thể hình thành từ những công việc đòi hỏi nói nhiều như giáo viên, ca sĩ. Nếu nghiêm trọng, bệnh có thể phát triển thành các khối u, sưng, thậm chí là ung thư nếu không được điều trị kịp thời.
Khi gặp tình trạng khó khăn khi nói, đau họng hay mất giọng, đừng chần chừ tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y khoa. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn hạn chế những cơn đau nếu chưa kịp tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y khoa:
Cho dây thanh quản của bạn nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi điều đơn giản nhất giúp bộ phận nhạy cảm này có thể phục hồi. Đối với những người bình thường, việc này khá dễ dàng thực hiện, tuy nhiên nếu bạn là ca sĩ hay giáo viên, đây hẳn là vấn đề lớn.
Các chuyên gia y khoa đến từ Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) lưu ý tuyệt đối không được chuyển đổi phương thức giao tiếp sang "thì thầm". Khi nói thầm, các nhóm cơ thanh quản phải hoạt động mạnh hơn để đẩy luồng khí từ phổi ra nhiều hơn không như khi chúng được hỗ trợ bởi khoang miệng và lưỡi như bình thường. Điều này sẽ khiến tình trạng thanh quản của bạn càng thêm tồi tệ.
Uống nhiều nước
Đảm bảo cơ thể không thiếu nước là một trong những nhân tố tiên quyết trong việc cải thiện tình trạng của thanh quản. Deborah Levy, dược sĩ học kiêm nhà tư vấn y khoa trung tâm Sức khỏe Carrington Farms cho biết, uống nước đều đặn cũng giúp duy trì độ ẩm tại khu vực này và làm quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Bạn cũng cần tránh những loại thức uống có chứa axit hay carbonat như nước ngọt có ga bởi chúng sẽ khiến tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn.
Kiểm tra những nhân tố dị ứng
Phấn hoa, lông chó mèo hay thực phẩm đều có thể là những nhân tố dị ứng gây ra tình trạng sưng viêm, ngứa ngáy, góp phần khiến viêm thanh quản thêm tồi tệ. Theo Murray Grossan, chuyên gia y khoa đồng thời là nhà sáng lập tổ chức sức khỏe Grossan Sinus, tác giả cuốn sách The Whole Body Approach to Allergy and Sinus Health, nếu gặp phải tình trạng viêm thanh quản vài tháng một lần, chắc chắn bạn đang gặp rắc rối với một trong số những vấn đề môi trường xung quanh mình.
Lựa chọn thực phẩm thông minh
Theo Jacqueline Bromberg, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu y khoa tại Trung tâm Sức khỏe Memorial Sloan-Kettering thuộc Đại học Weill Cornell Medical College, New York (Mỹ), một vài loại thực vật có tác dụng rất hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng viêm thanh quản trong mùa lạnh.
Một trong số chúng bao gồm trà gừng, chuối và các loại quả xanh. Những loại thực phẩm này kiểm soát tốt lượng axit trong dạ dày, tránh tình trạng trào ngược. Một vài loại thuốc cũng có tác dụng tương tự trong việc giảm hiện tượng axit trào ngược đe dọa tới khu vực thanh quản.
Hạn chế những tiếp xúc với chất độc hại
Tiếp xúc với những hóa chất độc hại như khói thuốc, bụi gỗ, sơn… đều khiến tình trạng của bạn thêm tồi tệ. Nếu điều kiện sinh hoạt không cho phép, hãy đảm bảo bạn luôn mang theo khẩu trang để giảm thiểu những tác hại mà các chất độc hại gây ra cho bạn.
Súc miệng nước muối
Nước muối là loại dung dịch phổ biến có tác dụng diệt khuẩn cao. Debby Herbenick, nhà dược sĩ học kiêm tư vấn viên y khoa tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, sử dụng loại dung dịch này trước khi ngủ và sau khi dậy sẽ giúp hạn chế và tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng, đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Nước súc miệng cũng làm một lựa chọn không tồi giúp bạn đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
Trang bị máy tạo độ ẩm
Duy trì không khí ẩm cũng giúp tăng cường tốc độ hồi phục của thanh quản. Tuy nhiên, Alfred Spears, nhà nghiên cứu y sinh tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) khuyến cáo, bạn cần chú ý vệ sinh nhà thường xuyên bởi độ ẩm cao thường đi kèm với vi khuẩn, nhất là trong trường hợp gia đình bạn nuôi thêm thú nuôi.
(Nguồn: Pre)
EmoticonEmoticon