Ho nhiều là nguyên do số 1 khiến người ta đi tới bệnh viện khám. Phần lớn trường hợp, "thủ phạm" gây ho lành tính hoặc có thể dễ dàng điều trị (ví dụ bệnh viêm cuống phổi, dị ứng, hen thậm chí bệnh trào ngược dạ dày thực quản - GERD). Tuy nhiên, ho nhiều, dai dẳng cũng có thể là dấu hiệu một căn bệnh đe doạ tính mạng.
Theo bác sĩ Raja M. Flores, trưởng khoa phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Nui Sinai, thành phố New York (Mỹ). Bạn bị ho kéo dài trên 2 tuần vẫn chưa khỏi? Hãy lên lịch hẹn với bác sĩ ngay. Kết quả có thể không hề nghiêm trọng nhưng trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ nhận được những chẩn đoán khiến bạn… rùng mình!
1. Ho gà
Mặc dù căn bệnh này về cơ bản đã được xoá xổ sau khi vắc-xin ngừa ho gà ra mắt vào những năm 1940, nó đã tái xuất, do số lượng lớn những người từ chối tiêm vắc-xin. Theo kết quả một nghiên cứu của Đại học Emory đăng tải trên JAMA năm ngoái, có 48.277 ca ho gà được ghi nhận ở Mỹ trong năm 2012 – đây là số lượng người mắc ho gà nhiều nhất kể từ năm 1955 – và 22 người đã tử vong.
Hãy cẩn trọng nếu…
Bạn bị ho khan nghiêm trọng và kết thúc bằng một tiếng ho lớn khi hít vào. Dù bệnh ho gà khởi phát với các triệu chứng như bị cúm gồm chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt, sau 1-2 tuần, những cơn ho như mô tả bên trên sẽ xuất hiện.
Đôi khi, chúng nặng tới mức khiến bạn nôn trớ trong hay sau khi ho. Nếu thấy mình có dấu hiệu ho gà, hãy tới bệnh viện thật nhanh: Ho gà không được điều trị có thể dẫn tới viêm phổi. Xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực sẽ giúp chẩn đoán bệnh và bác sĩ sẽ dùng kháng sinh để điều trị.
2. Ung thư phổi
65% bệnh nhân ung thư phổi bị ho kinh niên vào thời điểm phát hiện bệnh, theo kết quả một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Chest. Bác sĩ Flores cho biết: "Thông thường, đó là triệu chứng duy nhất". Đừng bao giờ chủ quan khi nghĩ rằng mình không hút thuốc và do đó, không thể bị ung thư phổi. Nghiên cứu cho thấy, có tới 28% ca ung thư phổi là những người chưa bao giờ chạm vào một điếu thuốc.
Hãy cẩn trọng nếu…
Bạn bị ho kéo dài hơn 2 tuần, nhất là khi ho đi kèm dịch có màu gỉ sét hoặc hơi vấy máu, giọng bị khàn, cảm giác đau khi nuốt và đau tức ngực. Bác sĩ Flores cho biết: "Không cần phải hoảng sợ - đôi khi nguyên do là một chứng bệnh có thể điều trị như bệnh hen khởi phát ở người lớn. Nhưng luôn cần tới bệnh viện thăm khám để chắc chắn, lý tưởng nhất là tiến hành chụp cắt lớp vi tính liều thấp bởi vì chụp X-quang có thể bỏ sót khối u".
3. Viêm phổi
Triệu chứng chủ đạo của thứ gọi là bệnh viêm phổi không điển hình là ho khan dai dẳng, có xu hướng nặng hơn về đêm. Bác sĩ Flores lý giải: "Mọi người thường thử tự điều trị bằng cách mua thuốc tại quầy để ức chế cơn ho – nhưng chúng lại có thể khiến bạn tệ hơn bởi vì chúng ngăn cơ thể nới lỏng và di chuyển dòng dịch nhớt từ phổi ra".
Hãy cẩn trọng nếu…
Bạn bị ho và có các triệu chứng liên quan tới bệnh cảm khác mà không hề được cải thiện sau 10 ngày. Hãy đi khám ở bệnh viện sớm hơn nếu bạn gặp vấn đề về hô hấp, bị đau ngực và sốt trên 39 độ C hoặc/và ho ra mủ xanh, vàng hoặc dính vết máu. Bác sĩ sẽ nghe phổi của bạn bằng ống nghe để kiểm tra bất cứ âm thanh đáng khả nghi nào.
Nếu nghe thấy âm thanh đó, bạn sẽ cần đi xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực và trong một số trường hợp, chụp cắt lớp vi tính. Biện pháp điều trị là sử dụng kháng sinh. Phần lớn bệnh nhân bắt đầu thấy khá hơn trong vài ngày.
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Hơn 7 triệu phụ nữ Mỹ sống chung với căn bệnh này – đây là một bệnh về phổi khiến bạn gặp khó khăn khi hít thở. Có hai loại: viêm cuống phổi mạn tính và khí thũng - chứng bệnh khi đường khí nhỏ nhất ở cuối phổi của bạn bị phá huỷ. Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, bệnh này thường do hậu quả của thói quen hút thuốc, số ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng gấp 4 lần trong vòng 30 năm qua. Và đây cũng là nguyên nhân gây ra các cơn ho. Kể từ năm 2000, ngày càng có nhiều phụ nữ Mỹ tử vong do bệnh này so với nam giới – theo Hiệp hội Phổi Mỹ.
Hãy cẩn trọng nếu…
Bạn là người hút thuốc hay từng hút thuốc lá, vốn bị ho khan kinh niên kèm theo nhiều dịch, nhất là vào buổi sáng. Bạn cũng có thể trải qua tình trạng khó thở, thở khò khè và đau thắt ngực. Đừng trì hoãn nếu bạn thấy các triệu chứng đáng nghi: Một số nghiên cứu cho thấy, bạn càng được chẩn đoán và bắt đầu điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính sớm bao nhiêu (chủ yếu là thuốc kê đơn có tác dụng làm giãn phế quản), tiến triển bệnh của bạn sẽ càng tích cực bấy nhiêu. Và bỏ thuốc lá là điều bắt buộc.
5. Bệnh lao
Đây là căn bệnh gây ra do vi khuẩn được biết tới với tên gọi mycobacteria, tương đối hiếm gặp ở Mỹ - năm 2015, CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) ghi nhận dưới 10.000 ca mắc bệnh, so với 10 triệu trên toàn thế giới. Nguy cơ bị lao tăng lên nếu bạn có hệ miễn dịch yếu ớt (do bị tiểu đường từ trước, HIV hay ung thư) và/hoặc trải qua khoảng thời gian dài ở những khu vực nguy cơ cao như châu Phi hay một phần của Đông Âu.
Hãy cẩn trọng nếu…
Bạn bị ho kéo dài hơn 3 tuần, đi kèm đau tức ngực, giảm cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi về đêm và/hoặc ho ra máu. Không được điều trị, bệnh lao có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nó có thể lan rộng ra toàn bộ cơ thể, huỷ hoại cột sống, khớp, não và thậm chí trái tim bạn. Bệnh được chẩn đoán qua xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu. Biện pháp điều trị là sử dụng kháng sinh.
(Nguồn: Womenshealthmag)
EmoticonEmoticon