Từ lâu, "Uống rượu khai xuân" đã trở thành thới quen, thậm chí một nét văn hoá của người Việt, giúp tạo không khí thân mật và gầy dựng các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng một cách quá lạm dụng sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Làm sao để biết đâu là điểm dừng an toàn trên bàn nhậu hay uống như thế nào để tránh nguy cơ ngộ độc rượu trong dịp Tết sắp đến là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Uống rượu bia – lợi ít hại nhiều
Một số ý kiến cho rằng rượu bia có thể giúp làm giảm cholesterol trong máu, bảo vệ tim mạch, giảm đột quỵ… Nhưng theo ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh – Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những nghiên cứu này cần xem xét kỹ càng.
Ngược lại, rượu rất dễ gây ra tình trạng ngộ độc, vì trong rượu bia bình thường có chứa ethanol, nếu sử dụng nhiều rất độc hại. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính. Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp.
Uống rượu bia gây ra rất nhiều tác hại.
Đặc biệt, nếu nạn nhân uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc, chứa cồn công nghiệp có thể dẫn đến những rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một thành hai hoặc không nhìn thấy. Nặng hơn, nạn nhân sẽ bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp và dẫn đến tử vong.
Theo ThS BS. Minh, rượu bia ngoài việc gây ra nghiện hay ngộ độc cấp tính còn có những tác hại khác như viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm; gây viêm tụy cấp; tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư gan; ung thư đại tràng; giảm sức đề kháng cơ thể nên những người nghiện bia rượu dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn về tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Tự ngâm rượu uống vẫn gây ngộ độc
Một số người thường hay tự ngâm rượu để uống với lý do an toàn hơn và tốt cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên theo chuyên gia, điều này chưa hoàn toàn chính xác. Nếu sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Uống các loại rượu ngâm quá nhiều cũng có thể bị nghiện rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường.
Rượu thuốc (hay rượu tự ngâm) vẫn có thể khiến người uống bị ngộ độc.
ThS BS. Quốc Minh chia sẻ, để uống rượu bia không ảnh hưởng đến sức khỏe thì đối với nam giới chỉ uống dưới 2 chai bia hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày (2 đơn vị), đối với nữ giới chỉ nên uống dưới 1 đơn vị mỗi ngày. Ngoài ra còn tùy theo cơ địa từng người, người có nhiều men chuyển hóa ở gan sẽ ít bị say hơn so với người có ít men chuyển hóa. Do đó, cần uống rượu bia chừng mực trong khả năng của cơ thể, vừa sức và dừng lại đúng lúc.
ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh đang thăm khám cho một bệnh nhân gặp vấn đề về sức khoẻ sau khi sử dụng rượu bia.
Cách đơn giản giúp hạn chế bị say và giảm tác hại của rượu là nên ăn no trước khi uống vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến say. Nên uống nhiều nước vì cơ thể dễ bị mất nước khi uống rượu bia. Đặc biệt không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu.
"Trường hợp không may bị ngộ độc rượu thì cần xử trí cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau; giữ ấm cho nạn nhân vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất", ThS BS. Quốc Minh khuyến cáo.
EmoticonEmoticon