Phát triển một phân tử đảo ngược kháng kháng sinh ở nhiều chủng vi khuẩn
Các nhà khoa học đã có một bước đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống siêu vi bằng cách phát triển một phân tử đảo ngược kháng kháng sinh ở nhiều chủng vi khuẩn cùng một lúc.
Trước đây, nếu như nhiễm trùng có khả năng miễn dịch với kháng sinh nhưng hiện nay, các nhà khoa học đã tạo ra phân tử tấn công một loại enzyme làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Các phân tử đảo ngược kháng kháng sinh cho phép chúng ta sử dụng thuốc mà hiện đang vô tác dụng.
"Chúng ta đang mất khả năng sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh chủ đạo. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng lan rộng. Điều đó thôi thúc chúng ta tìm ra một loại thuốc mới chống lại toàn bộ tình trạng kháng kháng sinh nhưng càng tìm, chúng ta càng không thấy được gì khả quan. Vì vậy tất cả những gì chúng ta cần làm là thay đổi những loại thuốc kháng sinh hiện có. Tuy nhiên, đừng quên rằng ngay sau khi bạn thực hiện sự thay đổi này, vi khuẩn lại tiếp tục thích nghi và gây ra tình trạng kháng những loại kháng sinh mới", ông Bruce Geller, nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon cho hay.
Thông tin này được tiết lộ ngay sau khi xuất hiện trường hợp một nữ bệnh nhân qua đời năm ngoái vì mắc bệnh nhiễm trùng, không loại thuốc nào có thể chữa được. Những siêu vi khuẩn này đã được coi là một "mối đe dọa cơ bản" và được dự đoán họ sẽ giết chết 300 triệu người vào năm 2050 theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Tự ý mua, uống thuốc làm dâng cao tình trạng kháng kháng sinh
Dù thời gian trôi qua đã khá lâu nhưng dường như vấn đề lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh chưa đúng cách… vẫn luôn là những vấn đề chưa bao giờ khiến dư luận hết xôn xao. BS Dương Minh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM) chia sẻ trên trang facebook cá nhân về vấn nạn kháng kháng sinh.
Theo bác sĩ Tuấn, một thực trạng phổ biến hiện nay là dược sĩ, người bán thuốc luôn kê đơn một cách tùy tiện cho những người bị xổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy... Trong mỗi túi thuốc luôn có một loại kháng sinh được kê thường là 3-5 ngày rất tuỳ tiện.
Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến kháng kháng sinh tăng cao. Hiện nay, mỗi khi cứ thấy mình ốm đau, người dân lại thường đi mua thuốc ngoài hàng tự kê đơn, uống vô tội vạ mà không cần biết điều ấy có thực sự cần thiết hay không.
Khi bạn không bị nhiễm khuẩn mà dùng kháng sinh, khiến việc dùng kháng sinh trở nên vô ích. Một bộ phận lại thấy việc dùng kháng sinh giúp khỏi bệnh nhanh lần đầu, lần sau có bị lại tiếp tục "giã" thuốc vào người nhiều hơn. Hậu quả là khiến tình trạng kháng kháng sinh dâng cao ở khắp mọi nơi. Có lẽ chưa bao giờ loài người cảm thấy sợ chết như trong giai đoạn hiện nay, khi có cả hàng nghìn người không thể chữa khỏi bệnh và chịu chết với chẩn đoán ban đầu chỉ là một cơn cảm cúm, một cơn ốm, sốt...
Hiện nay, số ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới được cho là do không có sức đề kháng chống vi khuẩn là 700.000, trong đó có 23.000 tại Hoa Kỳ. Theo TS.Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), chính tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn huyết, bị thất bại dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, kháng kháng sinh còn làm cho bệnh nặng hơn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, tình trạng tự điều trị đã diễn ra khá phổ biến, trong khi việc tự chẩn đoán lại thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng dùng kháng sinh khi chưa cần thiết hoặc bệnh không cần phải dùng kháng sinh (như các trường hợp cảm cúm thông thường) nhưng người bệnh vẫn lạm dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, lây chéo do quá tải bệnh viện dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác… cũng nằm trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ (như lúc bệnh chưa nặng đã dùng sớm, dùng không đúng loại, chức năng, dùng không hết đơn thuốc)… tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn sớm tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và mau chóng tạo ra cơ chế đề kháng lại tác dụng của thuốc.Việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể sẽ làm người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này. Khi đó việc điều trị cực kỳ khó khăn bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong rất cao dù căn bệnh đơn giản.
Hơn nữa, việc tổng hợp sự kháng thuốc của các loại vi khuẩn gây bệnh có thể tạo ra những con siêu vi khuẩn có thể gây rất khó khăn cho việc điều trị hay gây hại cho sức khoẻ của nhiều người.
78% thuốc kháng sinh chữa viêm họng không có tác dụng
78% thuốc kháng sinh chữa viêm họng không có ý nghĩa trong điều trị chính là thông tin được Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM công bố gần đây. Theo đó, các bác sĩ của Hội khẳng định thuốc kháng sinh được sử dụng để chữa trị các bệnh do vi khuẩn gây nên. Còn nguyên nhân gây viêm họng đa phần là do virus gây bệnh. Đây là một vấn nạn chứng minh kháng kháng sinh càng lúc càng trở nên đáng sợ.
Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM cũng khẳng định, tình trạng gia tăng kháng sinh hiện nay ngoài những lý do như tự ý mua thuốc, không nghe theo chỉ định của bác sĩ… còn có nguyên nhân đáng sợ hơn là do bác sĩ chỉ định không đúng, bệnh không cần kháng sinh mà lại cho sử dụng kháng sinh hoặc không cho đúng loại kháng sinh cần thiết.
Nếu bạn chỉ bị viêm họng cấp do virus thì không cần và không nên dùng kháng sinh vì hành động này không có tác dụng gì cả. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với tác nhân gây viêm họng là vi khuẩn. Tuy nhiên, trong thực tế, viêm họng chủ yếu là do virus như adeno, rhino, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi... lại chiếm đến 80%. Các trường hợp bị viêm họng nghiêm trọng hơn là do vi khuẩn có dạng diễn biến phức tạp hơn.
Tự nâng cao ý thức bản thân trong việc sử dụng thuốc kháng sinh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, khi sử dụng kháng sinh cần phụ thuốc vào bệnh nặng hay nhẹ, cần dùng kháng sinh hay không cần, thời gian dùng bao lâu, uống hay bôi. Để đưa ra một loại thuốc kháng sinh đúng chỉ định, một bác sĩ học kháng sinh mất thời gian rất lâu, chưa kể bác sĩ khám bệnh phải rất có kinh nghiệm phát hiện mức độ bệnh nặng nhẹ, vi khuẩn nào gây bệnh mới kê đơn kháng sinh. Tóm lại, dù là bác sĩ nhưng để kê đơn không dễ chút nào.
Sức người có hạn (trong việc nghiên cứu ra các loại kháng sinh mới) trong khi thủ đoạn của vi khuẩn thì có thừa (trong việc đề kháng kháng sinh mà một phần do mỗi chúng ta). "No action today, no cure tomorrow." - Không hành động hôm nay, ngày mai sẽ không có thuốc chữa là câu nói chuẩn xác mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.
Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức bản thân trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, không tùy tiện uống kháng sinh mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt nhấn mạnh, kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không phải virus. Nếu bạn bị cảm cúm, hắt hơi, viêm họng… là do virus tấn công thì không được dùng kháng sinh, tránh tiếp tay cho tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng dâng cao. Đối với bác sĩ, dược sĩ cần nâng cao cái tâm hơn nữa trong việc khám chữa bệnh cho người bệnh, không vì những mục đích ham muốn tầm thường mà làm trái lương tâm… Nếu không, một ngày nào đó, chính những người đi chữa bệnh cũng sẽ nhận kết cục mà hôm nay mình đang làm.
Bởi vậy, "No action today, no cure tomorrow" (không hành động hôm nay, ngày mai sẽ không có thuốc chữa) chính là câu kết luận đáng ghi nhớ mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO muốn nhắn nhủ đến loài người về thuốc kháng sinh.
EmoticonEmoticon