Nguyên nhân khoai tây nấu lâu tăng nguy cơ ung thư là do hợp chất acrylamide, Independent dẫn lời Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA). Thí nghiệm trên chuột chỉ ra acrylamide ở mức cao gây tổn thương hệ thần kinh và dẫn đến ung thư. Đối với người, các nhà khoa học tin rằng acrylamide cũng dẫn tới hệ quả tương tự.
Ngoài khoai tây chiên cùng các thực phẩm từ khoai tây, acrylamide còn xuất hiện trong ngũ cốc (loại dùng để ăn sáng), bánh quy, bánh quy giòn, bánh mì giòn. Cà phê, đế pizza nấu sẵn, ô liu đen và thức ăn cho trẻ em làm từ ngũ cốc cũng chứa hợp chất này.
Khoai tây nấu quá kỹ có thể gây ung thư. Ảnh: Independent. |
Nếu được nướng, rán cho đến khi có màu nâu hoặc đạt độ giòn, nồng độ acrylamide của khoai tây, khoai lang, củ cải, củ cải đường, củ cải vàng, củ cải Thụy Điển sẽ tăng vọt. Bên cạnh nhiệt độ cao (trên 120 độ C), nấu quá lâu cũng đẩy acrylamide lên mức báo động.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết acrylamide "dường như gây ung thư cho người" còn Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đó là "một chất ung thư tiềm năng".
Nhằm bảo vệ sức khỏe, FSA khuyến cáo người dân nên ngừng rán, nướng, rang khi thực phẩm chuyển màu vàng chứ không chờ đến lúc nâu sẫm đồng thời ưu tiên luộc, hấp và quay lò vi sóng. Ngoài ra, không trữ khoai tây trong tủ lạnh mà để nơi tối, mát với nhiệt độ trên 6 độ C.
Minh Nguyên
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2kbqQnY
EmoticonEmoticon