Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Tin Sức Khỏe "Căn bệnh vô hình suýt giết chết tôi, nhưng các bác sĩ vẫn chủ quan cho qua"

Dưới đây là câu chuyện của Hattie Gladwell năm nay mới 20 tuổi, đến từ Sussex (Anh) mà mỗi khi kể lại cô vẫn không khỏi lo lắng:

Năm ngoái, tôi có cuộc phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ ruột già. Tình trạng lở loét và viêm nhiễm nặng tới nỗi ruột già gần như đã nổ tung trong người tôi chỉ 30 phút trước phẫu thuật. Nếu chuyện đó xảy ra, hẳn giờ đây, tôi không còn tồn tại trên cõi đời này nữa.
viêm loét đại tràng

Thật điên rồ. Tôi từng phải nhập viện vì nghi viêm ruột thừa nhưng 5 ngày sau khi cắt bỏ ruột thừa, tôi lại tiếp tục được đưa vào phòng phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu. Sau phẫu thuật, tôi phải mang theo túi hậu môn nhân tạo. Thủ phạm ư? Đó chính là bệnh viêm loét đại tràng. Một dạng bệnh viêm nhiễm đường ruột. Và cũng thuộc loại bệnh vô hình – khi người khác nhìn vào, chẳng ai nghĩ tôi đang phải chịu đựng một căn bệnh nặng đến thế.
Bạn có muốn biết điều tồi tệ nhất trong số những thứ tôi đã trải qua không? Không phải ca phẫu thuật, cũng không phải hậu môn nhân tạo – mà đó là toàn bộ sự việc trên lẽ ra đã có thể ngăn ngừa nếu có ai đó chịu lắng nghe tôi.
Tôi đi khám trong suốt nhiều năm vì bị những cơn đau dạ dày hành hạ, cộng với tình trạng chảy máu ruột. Nhưng các bác sĩ lại từ chối kiểm tra mà chỉ cho tôi một lời giải thích “đó là rắc rối của phụ nữ” mặc dù tôi đã nói với họ máu chảy ra từ đâu. Một bác sĩ thậm chí còn tròn mắt nhìn tôi kinh ngạc.
Khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ vào cuối năm 2014, tôi tới phòng cấp cứu. Không chỉ 1 mà 3 lần. Lần nào, tôi cũng bị từ chối. Người ta nói với tôi rằng đó chỉ là triệu chứng của bệnh viêm dạ dày thôi. Không những thế, một bác sĩ còn khuyên tôi “ăn nhiều chuối hơn” để xoa dịu cơn đau.
Tôi cảm thấy bơ vơ, tuyệt vọng.
viêm loét đại tràng

Mãi cho tới khi tôi tìm kiếm sự trợ giúp từ một bác sĩ đa khoa khác, trường hợp của tôi mới được xem xét một cách nghiêm túc. Tôi nhập viện vì bị nghi viêm ruột thừa.
Tất nhiên, dự đoán trên đã sai, nhưng tôi cảm thấy rất biết ơn vì ít ra họ đã lắng nghe tôi. Nếu không, tôi đã không còn sống mà chia sẻ lại câu chuyện này. Cuối cùng tôi cũng được phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ ruột già.

Cảm giác phải mổ liên tiếp 2 lần trong 5 ngày vô cùng đáng sợ. Nhưng bạn biết điều đáng sợ hơn là gì không? Với tôi, đó là biết rằng không chỉ có mình tôi phải chịu đựng tình cảnh đó. Còn có rất nhiều người khác, giống như tôi, bị phớt lờ, chế giễu chỉ vì triệu chứng bệnh không thể hiện rõ ràng ngay lập tức.

Và đâu chỉ có bác sĩ mới đối xử với chúng tôi như vậy. Mọi người, nhìn chung, đều có cách hành xử giống nhau.
Tôi không thể nói với bạn đã bao nhiêu lần tôi bị người ta sấn đến, tranh cãi, xúc phạm hoặc nhìn đầy vẻ soi mói, khó chịu khi thấy tôi sử dụng nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật.
Có quá nhiều người nói với tôi rằng “Ít ra thì cô cũng đâu bị bệnh này” khi nhắc tới một số căn bệnh thể chất, cứ như thể không nhìn được bệnh của tôi bằng mắt sẽ làm tôi thấy khá hơn.
Và tôi thậm chí không thể bắt đầu mô tả nổi đã bao lần người ta nói với tôi rằng còn có nhiều người “khổ sở hơn” tôi nhiều bất chấp sự thật rằng căn bệnh tôi mắc phải không thể chữa khỏi và tôi sẽ phải sống chung với nó suốt đời.
viêm loét đại tràng

Chắc chắn là, có nhiều người thực sự còn khốn khổ hơn tôi rất nhiều. Nhưng những kiểu nhận xét, đánh giá như vậy chỉ càng làm trầm trọng thêm những định kiến về các căn bệnh vô hình và ngăn bất cứ người nào đó mong muốn nói về bệnh của mình chỉ vì sợ sẽ bị gièm pha, sẽ cảm thấy xấu hổ.
Điều đó thật quá tệ - tôi bị buộc cảm thấy mình như người có tội.

Có quá nhiều người sống cuộc đời họ cùng với một căn bệnh vô hình, cùng với mặc cảm tội lỗi vì đã mắc chứng bệnh kỳ quái đó.

Tại sao chứ? Bởi vì quá nhiều lần rồi, người ta nói với chúng tôi “Làm gì tệ đến mức thế đâu” chỉ vì họ không nhìn thấy một vết rách trên da hay một cái chân bị băng bó.
Chúng tôi bị buộc cảm thấy như thể, chẳng có vấn đề gì to tát vì người khác không nhìn thấy bệnh của chúng tôi.
Theo đúng nghĩa đen, phần ruột già đang chết trong người tôi - nếu chúng chết bên ngoài cơ thể tôi, hẳn các bạn sẽ để tôi có thêm 10 phút trong phòng vệ sinh dành cho người khuyết tật? Tất nhiên là vậy rồi.
Nếu túi hậu môn nhân tạo tôi mang trên bụng được để lộ ra ngoài quần áo tôi mặc, các bạn sẽ nói với tôi “quên nó đi” hay “định đi dạo à?”.
viêm loét đại tràng

Không, các bạn sẽ không nói như vậy. Bởi vì căn bệnh của tôi sẽ đập thẳng vào mắt bạn.
Những căn bệnh vô hình, chúng hoàn toàn có thật – thật như những căn bệnh biểu lộ rõ ra ở bề ngoài cơ thể mà thôi.
Không nên có một cuộc đọ sức nào cả, cũng không nên khiến một người cảm thấy bệnh tật của họ vô giá trị chỉ bởi vì bạn không nhìn thấy căn bệnh đó.

Hãy đặt mình vào vị trí của họ, chỉ trong một ngày thôi – hình dung bạn bị đau yếu ra sao, bị từ chối giúp đỡ một cách phũ phàng thế nào, còn bị chế nhạo, giễu cợt, bị người khác làm cho bạn thấy mình là một kẻ điên, cứ hết lần này tới lần khác phải giải thích chi tiết, tường tận điều gì đang xảy ra với cơ thể mình, chỉ với hi vọng mong manh rằng, có ai đó sẽ thốt lên: “Được rồi, chúng tôi sẽ giúp bạn”.

Và xin cứ tiếp tục đặt mình vào vị trí của người khác, cho tới khi bạn nhận ra, sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu cho những ai bị mắc căn bệnh vô hình, nếu có thêm nhiều người bày tỏ một chút thông cảm, một chút thấu hiểu, một chút lòng thành sẵn sàng giúp đỡ.

Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm ruột (IBD), nguyên nhân gây viêm mãn tính của đường tiêu hóa, có đặc điểm là đau bụng và tiêu chảy. Cũng giống như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng có thể gây suy nhược và đôi khi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Triệu chứng viêm đại tràng có thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng viêm và nơi mà nó xảy ra. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

- Đau bụng và chuột rút

- Khó chịu ở bụng

- Phân có máu

- Cảm giác muốn đi tiêu

- Gián đoạn giấc ngủ

- Giảm cân không rõ nguyên do

- Mất nước trong cơ thể

Tần suất của các triệu chứng: Mỗi bệnh nhân có thể có những triệu chứng viêm loét đại tràng khác nhau và có những biểu hiện cũng như tần suất không giống nhau. Điều quan trọng là cần theo dõi tần suất và mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng để có thể được điều trị tốt nhất.

(Nguồn: Metro)



EmoticonEmoticon