Đối với những trường hợp có bệnh lý ở đường hô hấp mà có đờm nhày quánh như ở người bị viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn... thì acetylcystein tôi sẽ là công cụ đắc lực để hỗ trợ các bạn trong việc “hóa giải” đờm này. Do có tác dụng tiêu chất nhày, làm giảm độ quánh của đờm nên khi dùng tôi sẽ tạo thuận lợi để người bệnh tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, bằng dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học (đối với những người không có khả năng khạc đờm như trẻ nhỏ, người già yếu...).
Tuy nhiên, khi dùng tôi các bạn cần chú ý:
Thứ nhất, người bị bệnh hen hoặc có tiền sử hen (vì nguy cơ phản ứng co thắt phế quản với tất cả các dạng thuốc chứa acetylcystein), người đã dị ứng với tôi trước đó thì nhất định không được mua tôi về dùng. Trên thị trường hiện nay, acetylcystein tôi có mặt trong rất nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau, nên người bệnh cần đọc kỹ thành phần của thuốc xem có mặt tôi trong đó không nhé. Trường hợp đi khám bệnh, các bạn phải nói điều này cho bác sĩ biết để bác sĩ còn “chừa” tôi ra. Nếu không biết mà cứ dùng tôi sẽ nguy cho người bệnh đấy.
Thứ hai, không được dùng tôi đồng thời với các thuốc ho khác (ví dụ thuốc giảm ho) hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản. Trong quá trình điều trị có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản, cần phải hút đờm ra nếu người bệnh giảm khả năng ho.
Thứ ba, một vài tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi dùng tôi là: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, phát ban, mày đay... Co thắt phế quản, phản ứng dạng phản vệ toàn thân tuy hiếm gặp nhưng các bạn vẫn phải đề phòng vì vẫn có thể xảy ra với tất cả các dạng thuốc có chứa tôi. Để hạn chế nôn và buồn nôn do thuốc nên dùng dung dịch acetylcystein tôi pha loãng. Có thể ức chế (đề phòng) phản ứng quá mẫn với thuốc (phát ban, ngứa, buồn nôn, nôn, chóng mặt) bằng cách dùng kháng histamin trước khi dùng tôi...
Nắm được những điều trên sẽ giúp người bệnh sử dụng tôi một cách an toàn và hiệu quả hơn.
Theo SKDS
EmoticonEmoticon