Sau 15 năm, chúng trở thành các cô cậu thiếu niên 13-18 tuổi. Không xuất hiện bất cứ dấu hiệu sức khỏe bất thường nghiêm trọng nào và đạt điểm số xuất sắc tại trường học, 18 đứa trẻ đều "rất ổn".
Theo CBS, giữa những năm 1996-2001, chuyên gia phôi học Jacques Cohen tại Trung tâm Y tế Saint Barnabas (Mỹ) đã thử nghiệm điều trị vô sinh bằng kỹ thuật mới cho 33 cặp đôi không thể thụ thai sau 5 lần thụ tinh trong ống nghiệm. Nhóm nhà khoa học tiêm chất tế bào chứa ty lạp thể từ trứng nhà tài trợ vào trứng người mẹ nhằm thay thế các ty lạp thể khiếm khuyết, hỗ trợ sự phát triển của phôi mà không làm ảnh hưởng đến màu tóc, màu mắt. Kết quả, 14 trên 33 đôi vợ chồng mang bầu và 13 cặp sinh con thành công. Tổng cộng, 18 em bé chào đời, trong đó có 2 cặp song sinh và một trường hợp sinh tư.
Trên tạp chí Reproductive BioMedicine, Cohen cùng đồng nghiệp công bố về tình trạng hiện nay của 18 đứa trẻ. Một em bị đau nửa đầu mạn tính, 2 em bị hen suyễn nhẹ, một em béo phì, 7 em bị dị ứng và một em bị rối loạn giảm chú ý. Các bác sĩ đánh giá tỷ lệ này là chấp nhận được. Bên cạnh đó, một bé trai từng bị rối loạn nhân cách ranh giới lúc 18 tháng giờ đã ổn định, thành tích học tập xuất sắc. Gia đình 4 bé sinh tư từ chối cung cấp thêm thông tin, chỉ tiết lộ các em đều khỏe và đang học cấp 3. Nhìn chung, 18 đứa trẻ tương đối khỏe mạnh. "Đây là những gì chúng tôi đã kỳ vọng", Cohen nói.
Từ trái sang: Peter Foster, con gái nuôi Kerry, vợ Susan và con gái ruột Emma - đứa trẻ sinh ra từ cuộc thử nghiệm ghép 3 gen. Ảnh: AP. |
Emma Foster 17 tuổi, con gái của Susan và Peter Foster là đứa trẻ duy nhất được bố mẹ kể về kỹ thuật ghép gen cách đây 15 năm. Từng chữa trị vô sinh suốt 7 năm ròng rã, đôi vợ chồng nhà Foster ngay lập tức đồng ý lời mời tham gia thử nghiệm của Cohen. Ở tuổi 33, Susan hạ sinh Emma. "Con là một phước lành, một phép lạ", bà mẹ xúc động. "Y học đã biến mọi thứ thành có thể".
Cất giữ một cuốn sổ ghi lại quá trình ra đời của con gái, gần đây Susan quyết định nói hết cho Emma. Thiếu nữ tuổi teen không tỏ ra ngạc nhiên, trái lại còn thích thú vì "điều đó làm em khác biệt".
Ngày nay, kỹ thuật điều trị vô sinh ghép 3 ADN bằng cách tiêm ty lạp thể không còn được áp dụng. Từ năm 2001, ít nhất hai cơ sở y tế tại Mỹ cùng vô số phòng khám nước ngoài tiến hành thử nghiệm theo Cohen song Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ nhanh chóng vào cuộc. Chưa kịp xin giấy phép tiếp tục, Cohen cùng đồng nghiệp đã bị cắt nguồn trợ cấp kinh phí.
Tháng trước, một em bé sơ sinh chào đời với 3 kiểu gen nhưng theo kỹ thuật khác. Các nhà khoa học tỏ ra lo ngại về độ an toàn lâu dài của phương pháp này bởi nó vốn được thiết kế nhằm giảm thiểu nguy cơ thừa kế gen có hại từ mẹ của thai nhi chứ không dùng để điều trị vô sinh. Thừa nhận việc tìm lại 18 đứa trẻ mang gen 3 người sẽ hỗ trợ những gia đình đang xem xét biện pháp phòng tránh bệnh tật, Cohen vẫn khẳng định chưa gì đảm bảo kỹ thuật mới an toàn 100% và nên dùng rộng rãi.
>> Xem thêm: Thế giới chạy đua tạo trẻ sơ sinh từ 3 bố mẹ
Minh Nguyên
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2dRnB0G
EmoticonEmoticon