Đoàn du khách từ Singapore đến TP HCM cho biết ông Bay 59 tuổi lên cơn đau dữ dội sau khi ăn chiều. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút, người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện An Bình trong tình trạng bất tỉnh.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân đã hôn mê, mạch và huyết áp không đo được, kết quả điện tâm đồ ghi nhận có tình trạng rung thất (tim gần ngưng đập). Xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nếu không can thiệp ngay có thể dẫn đến tử vong, ê kíp y bác sĩ lập tức xử trí cấp cứu bằng sốc điện, đặt nội khí quản cho thở máy, dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp và vận mạch để nâng huyết áp.
Sau 15 phút hồi sức tích cực, tim người dàn ông đã đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, điện tâm đồ cho thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới. Nhận định tình trạng của người bệnh rất nguy kịch, cần can thiệp tái thông mạch máu bị tắc ngay để tránh dẫn đến suy tim và tử vong, các y bác sĩ BV An Bình hội chẩn qua điện thoại với Đơn vị can thiệp nội mạch của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Tất cả đều thống nhất chuyển khẩn người bệnh qua Bệnh viện Y Dược để tiến hành đặt stent tái thông mạch vành.
Sau phẫu thuật can thiệp, hiện sức khỏe du khách người Singapore đã hồi phục tốt. Ảnh: NP. |
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Giám đốc Trung tâm tim mạch, cho biết đây là trường hợp cấp cứu đặc biệt nên được ưu tiên bỏ qua tất cả các thủ tục hành chính cấp cứu ban đầu để lập tức chuyển người bệnh lên phòng phẫu thuật để xử trí. Sau một giờ đồng hồ, bệnh nhân đã được nong bóng và tái thông mạch thành công, không còn tình trạng bít tắc động mạch ở tim, người bệnh đã qua cơn nguy kịch. Hiện nam du khách đã khỏe song cần nằm viện để theo dõi tiếp.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch, giải thích nhồi máu cơ tim cấp là hệ quả của tình trạng tắc nghẽn đột ngột hoàn toàn lưu lượng máu đến nuôi động mạch vành. Nguyên nhân thường gặp là cục máu đông khối hình thành tại chỗ gây ra bít tắc trong lòng mạch.
Biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính. Cụ thể như đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm, vai hoặc tay trái. Tình trạng này thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ. Bệnh nhân có cảm giác nghẹn, thắt chặt hay đè ép, đau ngực dữ dội. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút và không giảm dù đã nghỉ ngơi hay ngậm thuốc giãn mạch. Các triệu chứng đi kèm thường là vã mồ hôi, khó thở, ngất, trường hợp nặng có thể bị tụt huyết áp, choáng tim, đột tử.
Động mạch vành bị tắc (trước khi phẫu thuật) |
Động mạch sau khi được can thiệp nong bóng. |
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, khuyến cáo bệnh nhồi máu cơ tim rát nguy hiểm đến tính mạng nên bất kỳ người nào có các triệu chứng gợi ý như trên đều phải chú ý. Đặc biệt khi bị cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài từ 10 đến 20 phút không đỡ thì nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong cấp cứu đột quỵ, "thời gian cửa bóng" rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian từ lúc người bệnh được đến bệnh viện cho đến khi được can thiệp tái thông mạch bằng cách đặt bóng. Càng trì hoãn can thiệp lâu thì tỷ lệ tử vong càng tăng lên. Nếu người bệnh đến trễ quá 12 giờ, cơ hội can thiệp thành công sẽ không còn nữa. Thời gian cửa bóng được các hiệp hội Mỹ chấp nhận là dưới 90 phút. Theo, một nghiên cứu tại 6 trung tâm tim mạch lớn phía Nam nước ta, thời gian cửa bóng trung bình là 154 phút, riêng tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là 73 phút.
Bác sĩ Trần Hòa nhận định trong tình huống trên, du khách người Singapore rất may mắn vì đã đến Bệnh viện An Bình sớm để được xử trí ban đầu tốt, từ đó giúp cho việc tái thông mạch tại Bệnh viện Đại học Y Dược diễn ra thuận lợi, đảm bảo hồi phục các chức năng tim mạch cho người bệnh. Thời gian qua đã có hàng trăm ca cấp cứu đột quỵ được cứu sống kịp thời nhờ sự phối hợp tốt giữa Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược với nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM.
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2n01wn5
EmoticonEmoticon