Đôi vợ chồng này cưới nhau 9 tháng nhưng chưa một lần được coi là động phòng thực sự. Trước khi cưới cả hai cũng chưa từng thử quan hệ. Một ngày cả mẹ, vợ và chị gái đưa người chồng đi bệnh viện khám. "Bác sĩ cũng ngạc nhiên khi thấy một người đi khám mà cả bầu đoàn theo cùng", bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội kể lại.
Vào phòng khám, người chồng vừa nói “Em hơi yếu”, cô vợ 26 tuổi lập tức cướp lời “Yếu yếu là thế nào, yếu quá ấy. Em làm hết cách rồi; tay, miệng rồi, vẫn hỏng bét”. Bác sĩ sốc, vội yêu cầu người vợ ra ngoài chỉ để trao đổi riêng với chồng. Cuối cùng bác sĩ phát hiện thực tế người chồng mỗi ngày về nhà chỉ việc đối phó với vợ đã rất khó khăn, mệt mỏi.
Bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Phó giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội. |
Theo bác sĩ Lương, người chồng bị tác động tâm lý rất nặng nề, rối loạn cương do vợ quá mạnh mẽ. Người vợ trẻ, xinh xắn, rất hồn nhiên, không xấu hổ hay e ngại gì khi trao đổi về đời sống vợ chồng, trong khi chồng thì ngược lại. Người chồng rất xấu hổ khi cả họ, cả làng đều biết chuyện anh bị yếu sinh lý.
Hai vợ chồng điều trị theo tư vấn của bác sĩ một tháng nhưng vẫn không có kết quả. Đến khi gọi hai vợ chồng đến trao đổi lại, bác sĩ mới vỡ lẽ. “Có những hôm chồng đang chuẩn bị thì vợ đã tỏ ra rất sốt sắng ‘Thế nào, đã sẵn sàng chưa?’, vô tình lại càng tạo áp lực thêm cho anh chồng”, bác sĩ Lương chia sẻ.
Vì thế về sau bác sĩ phải trao đổi nhiều hơn với người vợ để bớt tạo áp lực lên chồng. Hơn 3 tháng sau mọi việc bắt đầu cải thiện dần, sau 7 tháng người vợ có bầu. Hôm người chồng quay lại khám thì vợ gọi điện khoe bác sĩ: “Dạo này tốt, căng rồi đấy bác sĩ ơi”.
Theo bác sĩ Lương, các trường hợp rối loạn cương chưa phát hiện nguyên nhân, nhiều người đổ lỗi cho tâm lý. Tuy nhiên thực chất 90% do thực thể, 10% do tâm lý. Dù vậy, đa phần đều cần tư vấn về tâm lý nếu không việc điều trị sẽ thất bại. Bệnh nhân có tâm lý một lần “ngã ngựa" thì lần sau cố gắng tốt hơn nhưng càng cố càng gay. Nhiều người đã yếu lại càng yếu hơn vì vợ, như người chồng trên.
Kiến thức về sức khỏe sinh sản của nam giới hiện còn kém hơn phụ nữ, theo bác sĩ nhận xét. Nhiều người ngại đến gặp bác sĩ mà tin tưởng vào những lời rỉ tai, truyền miệng nhau. Họ chỉ đi khám khi thực sự bức thiết. Vì thế có ông chồng rối loạn cương dương đến 6-7 năm dù rất muốn nhưng không chịu đi khám, chỉ đến khi vợ thúc ép nhiều mới chịu đi.
Thực tế, bác sĩ Lương nhận thấy nam giới đi khám nam khoa nhiều khi không phải từ chính mong muốn của họ mà từ vợ. Nhiều người chồng đến khám trong tình trạng cưỡng bức. Có người vợ đưa chồng đến khám rồi chốt ở ngoài cửa. Có ông chồng được vợ đưa đến viện khám chỉ chờ vợ đi xong là cũng chuồn luôn không vào gặp bác sĩ. Nhiều trường hợp đặt lịch khám cho chồng là vợ; hộ tống chồng đi khám cũng vợ; gọi điện cho bác sĩ để kiểm tra “Chồng em đến chưa?", "Kết quả như thế nào…” đều là người vợ chủ động.
“Liên quan đến vấn đề bản lĩnh đàn ông, nam giới nhiều khi rất nhạy cảm. Những lúc này người vợ cần phối hợp, động viên chồng thay vì tạo sức ép khiến tình trạng càng trầm trọng hơn", bác sĩ Lương nói. Bác sĩ khuyên tâm lý không phải là lý do duy nhất khiến nam giới bị rối loạn cương dương nhưng là yếu tố góp phần rất quan trọng, đôi khi quyết định. Do đó các bà vợ cần thông cảm và hỗ trợ chồng hơn để khắc phục tình trạng "trên bảo dưới không nghe".
>> Xem thêm:
- Nước mắt đàn ông tại phòng khám nam khoa
- Giải mã lý do bạn không thể có con
Dương Vũ
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2jzzQ6J
EmoticonEmoticon