My chào đời tại Đồng Nai năm 1985 khỏe mạnh, bụ bẫm. Vài tháng tuổi, khối u bắt đầu mọc lên ở vùng lưng cô bé, mổ cắt xong u lại mọc lên ở vị trí khác. Cô trải qua tuổi thơ trong nước mắt với 45 lần phẫu thuật, đến lúc u không xuất hiện nữa thì xương chậu bên phải không phát triển được. Hai chân ngày càng chênh nhau khiến việc đi đứng của cô gặp khó khăn.
"Mẹ bảo lúc nhỏ mình ít ngủ, khóc suốt ngày, cả nhà cứ tưởng đã không biết đi. Sáng nào bà ngoại cũng dùng khăn hứng sương sớm vào chườm chân. Khoảng 2-3 tuổi mình mới biết bò, biết đi tập tễnh", My chia sẻ.
Gương mặt bị biến dạng vì khiếm khuyết hàm của bệnh nhân, trước khi phẫu thuật. Ảnh: T.P |
Xương hàm dưới của My không phát triển trong khi xương hàm trên phát triển quá mức làm khuôn mặt biến dạng. Từ lúc học mẫu giáo, cô gái nhỏ nhắn đã đối mặt với sự phân biệt, trêu ghẹo của bạn bè. Ý thức được sự thua thiệt về thể chất, My nỗ lực không ngừng để vươn lên trong học tập với nhiều thành tích cao, đặc biệt trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Văn.
Tốt nghiệp đại học ngành kế toán, My làm việc trong một công ty nước ngoài. Vượt lên những khiếm khuyết ngoại hình, cô gái giỏi 3 ngoại ngữ Trung - Anh - Nhật vừa kiêm kế toán vừa trở thành một trong những trợ lý tin tưởng của sếp tổng. Do xương hàm dưới ngắn, thụt vào bên trong nên những năm qua My không thể nằm ngửa để ngủ mà phải nửa nằm nửa ngồi mới thở được. Tình trạng ngày càng nặng, My quyết định đến TP HCM điều trị.
"Tôi học lái ôtô mà không được thi lấy bằng do dị tật chân, tôi khóc vì mặc cảm tật nguyền chưa bao giờ rõ rệt đến thế", My trải lòng.
Tiến sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ phẫu thuật cho My, đánh giá đây là trường hợp biến dạng hàm hiếm gặp, nặng nhất từ trước đến nay mà ông tiếp nhận. Khoảng cách giữa hai xương hàm của cô khoảng 3 cm. Nếu chỉ phẫu thuật cắt hàm trên đẩy lùi về sau và cắt hàm dưới kéo về trước như thông thường thì bệnh nhân vẫn không thể nào khớp hai hàm được. Thay vì cắt trượt một lần, bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật cắt tổng cộng 4 đoạn hàm gồm 2 đoạn hàm trên đẩy lùi về sau và cắt 2 đoạn hàm dưới đẩy tiến về trước.
"Phẫu thuật cắt trượt hàm đòi hỏi phải gây mê đường mũi chứ không thể qua miệng. Bệnh nhân này cổ quá ngắn nên việc gây mê gặp nhiều thử thách", bác sĩ Dung chia sẻ. Với quyết tâm của bệnh nhân "dù chết cũng sẵn lòng được mổ", người nhà chấp nhận phương án không thể gây mê qua đường mũi thì sẽ mở cắt khí quản, chấp nhận thở máy với nhiều nguy cơ sau mổ.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: T.P |
Bác sĩ Dung hội chẩn với đồng nghiệp nhiều bệnh viện lớn trong thành phố nhưng các bác sĩ đều e dè. May mắn nhận được sự đồng ý hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp mổ quyết định nếu cần thì sẽ mở khí quản gây mê cho bệnh nhân. Sau 30 phút loay hoay không thành công, các bác sĩ đã sẵn sàng dụng cụ để rạch khí quản thì bất ngờ đặt được ống gây mê qua đường mũi. Bệnh nhân bước vào ca mổ dài 6 tiếng đồng hồ để cắt dời hàm, kết quả thành công ngoài mong đợi.
"Đây là cuộc phẫu thuật đặc biệt, giống như một cuộc diễn tập quy chuẩn", bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Anh Bích, Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Tái khám 10 ngày sau mổ, My tự tin với một diện mạo hoàn toàn mới mà "ngay cả mẹ cũng không thể nhận ra và tin được đây là sự thật". Lần đầu nhìn thấy mình trong gương, cô gái 31 tuổi sững sờ vì hạnh phúc. Vượt qua cuộc mổ nhiều phép màu, My đã có những đêm ngon giấc khi nằm thẳng mà vẫn thở được khi ngủ. Cô gái chuẩn bị niềng răng để hoàn thiện gương mặt.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2iZ5JE3
EmoticonEmoticon