Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Tin Sức Khỏe Dấu hiệu trẻ bị rối loạn máu cha mẹ không nên bỏ qua

Theo bác sĩ nhi khoa Anselm Lee chuyên về huyết học và ung thư nhi ở Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, máu là cơ quan duy nhất không tuân theo bất kỳ hình dạng hay kích thước nào trong cơ thể. Tuy nhiên, máu có ở mọi nơi. Khi cơ thể không khỏe, máu sẽ bị ảnh hưởng. Khi máu có vấn đề, cơ thể cũng cảm nhận được và có những biến đổi khác thường.

dau-hieu-tre-bi-roi-loan-mau-cha-me-khong-nen-bo-qua

Ảnh minh họa: PCC.

Các bệnh rối loạn máu ảnh hưởng đến thành phần chính của máu, gồm hồng cầu (có chức năng đưa oxy đi khắp cơ thể), bạch cầu (chống lại nhiễm trùng), tiểu cầu (cho phép đông máu). Bệnh này cũng có thể ảnh hưởng đến dịch của máu (huyết tương).

Các rối loạn máu ở trẻ có thể do thiếu máu (lượng hồng cầu thấp). Một số loại rối loạn máu có thể làm tăng hoặc giảm lượng bạch cầu. Bệnh giảm tiểu cầu xảy ra khi lượng tiểu cầu thấp bất thường, ảnh hưởng đến chức năng đông máu. Bệnh nhân bị đông máu bất thường có thể là dạng chảy máu hoặc xuất hiện cục máu đông trong hệ tuần hoàn.

Các bệnh bạch cầu và u lympho là ung thư phổ biến ở trẻ em. Biều hiện của bệnh thường là phì tuyến bạch huyết ở cổ, thiếu máu, sưng các cơ quan ở ổ bụng. Đa số trẻ em bị thiếu máu, phì tuyến bạch huyết hay các cơ quan ổ bụng không liên quan đến ung thư.

Các bệnh về máu có thể xảy ra ở trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Suy giảm miễn dịch là một bệnh nghiêm trọng. Một số trẻ tử vong do nhiễm trùng từ khi rất nhỏ, thậm chí còn chưa chẩn đoán được bệnh, song nếu được chẩn đoán kịp thời có thể chữa trị thành công.

Đặc điểm các bệnh về máu ở trẻ khác người lớn. Để chẩn đoán xác định thường cần đến các xét nghiệm đặc biệt bởi bác sĩ chuyên khoa. Về cơ bản, bác sĩ Anselm thống kê một số triệu chứng và biến chứng thường gặp ở trẻ bị bệnh rối loạn máu như sau:

Sưng các tuyến hoặc hạch bạch huyết ở cổ

Trong điều kiện bình thường, nếu hạch bạch huyết ở cổ bị sưng có thể chỉ là nhiễm trùng bình thường hoặc do trẻ mới tiêm phòng. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của chứng mô bào huyết, bệnh bạch cầu hoặc u lympho.

Vết bầm tím

Những vết bầm tím bỗng dưng xuất hiện trên da có thể do trẻ bị chấn thương. Đây cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng giảm tiểu cầu, bệnh máu khó đông, bệnh Von Willebrand, ban xuất huyết Henoch-Schonlei, rối loạn chức năng tiểu cầu, bệnh bạch cầu, u nguyên bào thần kinh.

Sốt kéo dài hoặc lặp lại

Triệu chứng này có thể do trẻ bị suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn, các hội chứng sốt theo chu kỳ. Trong một số trường hợp, đây là dấu hiệu bệnh bạch cầu và u lympho, u nguyên bào thần kinh, hội chứng thực bào máu.

Thiếu máu

Thiếu máu có thể do thiếu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như sắt, vitamin B12. Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu Thalassaemia, hồng cầu hình cầu, bệnh đường ruột, thiếu máu Diamond Blackfan và các bệnh thiếu máu bẩm sinh khác, thiếu máu không tái tạo, bệnh bạch cầu và các ung thư khác.

Chứng tăng bạch cầu (tế bào bạch cầu cao)

Tăng bạch cầu có thể do trẻ bị nhiễm trùng, viêm, chấn thương, phản ứng thuốc hoặc bệnh bạch cầu.

Giảm bạch cầu (tế bào bạch cầu thấp)

Trẻ bị giảm bạch cầu có thể do nhiễm trùng. Đây cũng là dấu hiệu của hội chứng Kostmann và giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh, giảm bạch cầu trung tính tự miễn ở trẻ hoặc bệnh bạch cầu.

Giảm tiểu cầu (lượng tiểu cầu thấp)

Tình trạng này thường gặp khi trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), giảm bạch cầu bẩm sinh, Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), hội chứng tan huyết tăng ure máu điển hình hoặc không điển hình, nhiễm trùng, bệnh bạch cầu...



from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2qCK74s


EmoticonEmoticon