Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Tin Sức Khỏe Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em

Mới đây, một người mẹ ở Lào Cai đã đăng đàn chia sẻ về bệnh tình của con khiến dân mạng không khỏi xót xa. Theo đó, chị cho biết con mình mắc Hội chứng Kawasaki, nhưng lại phát hiện trễ khiến đứa trẻ bị biến chứng qua tim, phải tiêm liên tục 10 ống Gamma Globulin để mong đẩy lùi căn bệnh quái ác. May mắn là đứa trẻ đã qua cơn nguy kịch. Theo người mẹ này, Kawasaki là một căn bệnh lạ với những triệu chứng rất thông thường nên khó nhận biết. Vậy thực hư ra sao?

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 1.

Hình ảnh đứa con nhiễm hội chứng Kawasaki được người mẹ T.G chia sẻ.

Kawasaki là bệnh lý tự miễn, không có nguyên nhân cụ thể

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, Kawasaki (hay còn gọi là hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết) là một dạng biểu hiện của da do hệ miễn dịch bị xáo trộn. Bệnh được đặt theo tên một vị giáo sư Nhật Bản, người đã phát hiện ra căn bệnh này đầu tiên vào năm 1967.

Căn bệnh này được xếp vào nhóm bệnh tự miễn hay nhóm bệnh viêm mạch, tức là viêm những mạch máu. Viêm ở đây không có nguyên nhân cụ thể, không phải do một tác nhân là vi khuẩn, vi trùng, siêu vi… nào cả mà do cơ thể tự tạo cơ chế miễn dịch. Đặc biệt, bệnh thường chỉ xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây thành dịch.

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 2.

TS.BS Lê Thái Vân Thanh nói về hội chứng Kawasaki. (Ảnh: BVCC)

Những trẻ bị hội chứng Kawasaki, có một số yếu tố nền tảng nào đó (như gen, cơ địa yếu) là những tác nhân khiến bé dễ mắc bệnh. Ngoài ra còn có những nguyên nhân thúc đẩy bệnh xuất hiện khác như tự miễn sau nhiễm trùng (gồm vi khuẩn, viêm họng, siêu vi), nhiễm độc tố…

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 3.

Kawasaki là bệnh lý tự miễn.

Khi thời tiết lạnh, Hội chứng Kawasaki dễ bùng phát hơn. Do đó, loại bệnh này thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân. Điển hình là thời gian gần đây, tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận đến 16 ca bệnh nhi mắc Hội chứng Kawasaki, một con số rất đáng lo ngại khi tỉ lệ trung bình mắc loại bệnh này trên thế giới là rất hiếm.

Có thể biến chứng qua tim, gây ngưng thở

Theo TS.BS Thanh, Kawasaki mang bệnh cảnh khá tổng quát nên rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Cụ thể, sẽ có 3 giai đoạn phát bệnh:

Giai đoạn 1 bệnh nhân sốt cấp tính, nổi ban, nổi hạch to, phù chi, viêm kết mạc. Vùng da thường bị đầu tiên nhất là da ở gần bộ phận sinh dục ngoài của bé hoặc vùng mông. Sau đó những chỗ da khác cũng sẽ bị khô, đỏ, tróc vảy.

Giai đoạn 2 là lúc da bàn tay, bàn chân bị lột. Những nốt đỏ sẽ lây ra tay, chân, thân, mình. Nhất là ở đầu ngón tay, chân của bé, ta có thể dễ dàng thấy da mỏng, tróc dính lại thành những viền da ở trên bề mặt của da.

Giai đoạn 3 là giai đoạn mà các triệu chứng lâm sàng từ từ biến mất. Bệnh nhi có thể hồi phục, nhưng thể trạng sẽ suy yếu.

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 4.

Kawasaki có thể biến chứng qua tim, gây viêm cơ tim.

Tuy nhiên đó là lý thuyết. Ở giai đoạn đầu tiên, nếu xảy ra triệu chứng viêm kết mạc nhưng điều trị không hiệu quả, trẻ sẽ tiếp tục bị bị viêm đường tiểu (cũng là vô trùng, không có tác nhân nhiễm cụ thể). Quá trình viêm này tiến rộng hơn, xa hơn thì bệnh nhi có thể bị viêm bàng quang.

Một tuần sau sốt vẫn còn thì nguy cơ bị ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng là không nhỏ. Đỉnh cao là 3-4 tuần sau sốt, trẻ có thể bị viêm cơ tim, một bệnh cảnh rất nặng, có thể dẫn đến ngưng tim, ngưng thở bất kỳ lúc nào. Ngoài viêm cơ tiêm, trẻ có thể bị biến chứng khác như hở van tim hai lá, loạn nhịp tim, viêm động mạch vành, thậm chí viêm màng não. Có thể nói, hội chứng Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tim ở trẻ em.

Tiềm tàng trong cơ thể suốt đời

Giữa thập niên 80, hội chứng Kawasaki xuất hiện ồ ạt ở những nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan nhưng đến giữa khoảng thập niên 90 thì giảm dần. "Việt Nam có nền tảng gen giống các nước này nên khả năng mắc bệnh là tương đương, theo như y văn thì khoảng 110-140 ca/100.000 trẻ em", TS.BS.Thanh chia sẻ.

Đối với những bệnh lý được xếp vào nhóm tự miễn, viêm mạch như Kawasaki thì sẽ tiềm tàng trong cơ thể bệnh nhi mãi mãi, không thể điều trị dứt điểm. Nhưng khi trẻ lớn dần lên thì hoạt tính bệnh cũng lui dần, chỉ âm ỉ hoặc dừng ở mức không có biểu hiện đáng ngại cho các tổn thương cơ quan hoặc cho tổn thương da niêm mạc. Lúc này cũng có thể tạm gọi là khỏi bệnh. Dù vậy, bệnh nhi cần được theo dõi sát sao trong thời gian dài, thậm chí suốt đời để kiểm soát được tình trạng tái hoạt của viêm mạch (có thể làm bệnh nhân biến chứng sang những bệnh cảnh khác).

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 5.

Globulin, protein miễn dịch dùng trong điều trị hội chứng Kawasaki.

Như đã nói, bệnh một khi để lâu khiến tim bị viêm đến mức bị hủy, mạch máu tim tắc, cơ tim hoại tử, thậm chí viêm màng não thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Do đó, điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh nhi bị sốt, có thể dùng protein miễn dịch gamma globulin để tiêm đường tĩnh mạch nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các vấn đề động mạch vành (như phình mạch). Ngoài ra tuỳ vào mức độ bệnh, có thể dùng thêm aspirin liều cao để điều trị theo hướng giảm tự miễn, chống viêm. Khi cơn sốt đi xuống, tiếp tục dùng aspirin liều thấp từ sáu đến tám tuần để ngăn ngừa đông máu.

Kawasaki – Hội chứng bệnh dễ bùng phát mùa lạnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em - Ảnh 6.

Cách tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị hiểu quả hội chứng Kawasaki là đưa con đi khám ngay sau khi có triệu chứng bất thường.

Vì bệnh không có triệu chứng điển hình, nên cách tốt nhất là chú ý thật kỹ đến tình trạng bệnh của bé. TS.BS Thanh khuyên các bậc phụ huynh, khi thấy bé sốt kéo dài nhiều ngày, viêm kết mạc hoặc than tiểu đau thì nên đưa bé đến cơ sở chuyên khoa khám trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, người trẻ tự dưng nổi một cục hạch lớn (khoảng 1.5cm) cũng là biểu hiện của nguy cơ bé nhiễm bệnh Kawasaki.

Dù bệnh vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, môi trường vẫn tác động đến sự bùng phát của Kawasaki. Do đó, phụ huynh có thể hạn chế tối đa những điều kiện cho Kawasaki phát triển, bằng cách chăm sóc trẻ thật kỹ càng, có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học cho trẻ, nhất là trong mùa lạnh.



EmoticonEmoticon