Người Việt Nam chúng ta hay có thói quen ăn cơm nguội hoặc lấy cơm nguội để chế biến thành món cơm rang. Thế nhưng, ít người bị ngộ độc. Mà nếu có bị ngộ độc sau bữa ăn, thì cũng ít ai nghĩ đến nguyên nhân là do cơm nguội.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lại phát hiện ra ăn cơm nguội hâm nóng có thể gây ngộ độc cho người sử dụng dù xét về mặt cảm quan cơm không hề bị thiu, chua hay biến chất.
Nhưng vấn đề ở chỗ nguyên nhân không phải là do hành vi hâm nóng mà là do cách thức bảo quản cơm trước đó.
Cơm nguội hâm nóng gây ngộ độc thực phẩm như thế nào?
Cơm chưa nấu chín (gạo) có thể chứa các bào tử của Bacillus cereus, một vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm vốn nhiễm từ đất.
Trong quá trình nấu cơm, nhiệt độ đó vẫn không thể tiêu diệt loại bào tử này. Nếu cơm chỉ được bảo quản ở nhiệt độ phòng, các bào tử có thể phát triển thành vi khuẩn.
Các vi khuẩn này sẽ sản sinh lên và có thể sản xuất ra các chất độc (nội độc tố) gây nôn và tiêu chảy. Thời gian để cơm nguội càng dài, độc tố càng sản sinh ra nhiều.
Dù có rang hoặc hâm lại cơm cũng không thể loại bỏ được các độc tố này, cũng như không tiêu diệt được vi khuẩn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cơm nguội an toàn và không có khả năng gây ngộ độc nếu cơm được nấu chín và để nguội trong vòng 24 giờ.
"Cơm nguội không thể gây ngộ độc nếu cơm chưa bị thiu, biến chất. Do vậy, nếu cơm đã bị biến chất thì không nên ăn và trên thực tế không ai ăn cơm thiu cả", ông Thịnh nói trên tờ Vietq.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa về nguy cơ gây ngộ độc của cơm nguội không phải trong gia đình mà còn ở những nhà hàng hay sử dụng cơm nguội làm cơm rang.
Chúng ta không thể kiểm soát được lượng cơm nguội đó có để lưu cữu ngày này qua ngày khác không, vì thế nguy cơ ngộ độc thực phẩm đến từ đó cũng rất cao.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm?
Nếu ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus, bạn có thể có các dấu hiệu như buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 giờ. Triệu chứng tương đối nhẹ và thường kéo dài khoảng 24 giờ.
Những người có thể trạng yếu như người cao tuổi, trẻ em khi mắc các triệu chứng trên có thể gây thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Cách bảo quản cơm nguội an toàn
– Lý tưởng: Ăn cơm ngay khi nó được nấu chín
– Nếu không thể được, hãy cho cơm vào tủ lạnh càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng một giờ).
– Bảo quản cơm trong tủ lạnh không quá hơn một ngày với nhiệt độ < 50C cho tới khi được hâm nóng lại.
– Khi bạn hâm nóng bất kỳ loại cơm nào, luôn nhớ kiểm tra xem đĩa cơm có bốc hơi nóng lên không.
– Không hâm nóng cơm nguội đến 2 lần.
Cách hâm nóng cơm nguội dẻo và ngon nhất
Có 2 cách hâm nóng cơm nguội vừa dẻo vừa ngon:
- Sử dụng nồi cơm điện: Cho một chút nước vào nồi cơm điện, đặt vỉ hấp vào nồi rồi đổ cơm vào. Sau đó bật nút nấu và đợi vài phút là cơm đã nóng trở lại như mới nấu
- Sử dụng lò vi sóng: Cho cơm nguội vào đĩa, phủ lên đó một chiếc khăn giấy ẩm, rồi cho vào lò vi sóng và ấn nút hoạt động lò. Cơm sẽ không bị khô mà vẫn đủ nóng.
(Theo Trí Thức Trẻ)
EmoticonEmoticon