Đối với nhiều người, sống trong bong bóng có nghĩa là một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy mà không phải lo nghĩ điều gì. Nhưng với David Vetter, một cậu bé ở Texas, thì nó đúng nghĩa là chỉ quẩn quanh suốt cuộc đời trong chiếc bong bóng, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Năm 1970, David ra đời tại bệnh viện nhi Texas, Houston. Chỉ 20 giây sau khi tiếp xúc với thế giới, các bác sĩ phải gấp rút đưa ngay David vào một chiếc bong bóng cách ly để giữ cho cậu bé sống sót. Cậu bé được chẩn đoán mắc phải căn chứng suy giảm miễn dịch tích hợp (SCID), tức trong người em không hề có các tế bào bạch cầu để giúp cơ thể kháng lại các virus, vi khuẩn từ bên ngoài, chứng bệnh chỉ xuất hiện ở các bé trai.
Người anh trai của David cũng đã từng mắc phải chứng bệnh này và qua đời khi chỉ được 8 tháng tuổi. Các bác sĩ cũng đã cảnh báo với Carol Ann, mẹ David, rằng nếu cô mang thai thêm lần nữa thì khả năng đứa trẻ này bị nhiễm bệnh cũng rất cao. Tuy nhiên gia đình David vẫn kiên quyết muốn giữ lại đứa bé, với hi vọng dù mỏng manh cũng mong con mình được khỏe mạnh. Thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với David…
Các bác sĩ tin rằng, căn bệnh của David sẽ thuyên giảm khi cậu bé lên 2 tuổi, nhưng thực tế David đã phải sống 12 năm trong chiếc buồng bằng bong bóng tiệt trùng chuyên dụng cho đến khi lìa đời.
Liệu có thật sự nhân đạo khi nuôi một đứa bé trong môi trường cách ly hoàn toàn như thế này không? - Câu hỏi làm cho hơn 30 bác sĩ tại bệnh viện nhi Texas băn khoăn, và cuối cùng họ cũng thừa nhận đó là một quyết định đúng đắn.
Cuộc sống của cậu bé chỉ quẩn quanh trong một chiếc nhà bong bóng được vô trùng hoàn toàn. Âm thanh quen thuộc mỗi ngày đối với cậu chính là tiếng ồn từ chiếc máy lọc oxy. Thậm chí khi cha mẹ cậu bé đến thăm, ngoài việc phải khử trùng đặc biệt thì họ còn cần thông qua găng tay tiệt trùng mới có thể sờ và ôm cậu.
Ca bệnh của David lúc bấy giờ thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng trên toàn quốc gia, theo dõi từng bước đi của em. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã đặc biệt thiết kế cho David một bộ đồ bảo hộ đặc biệt để em có cơ hội được bước ra ngoài thế giới.
Năm 6 tuổi, lần đầu tiên David mới được ra ngoài trời, vui chơi với thiên nhiên, nghịch nước như bao đứa trẻ khác. Tất nhiên cũng nhờ vào bộ đồ bảo hộ của NASA và rất nhiều y bác sĩ hỗ trợ theo cùng em.
Mỗi lần muốn mặc đồ bảo hộ để ra ngoài, các bác sĩ đã phải thực hiện công đoạn bao gồm 52 bước chuẩn bị và tiệt trùng phức tạp để đảm bảo môi trường hoàn toàn vô trùng cho David. Và mọi thứ đều xứng đáng khi lần đầu tiên, vào ngày 29/07/1977, mẹ con David mới lần đầu tiên được gần gũi nhau.
Người thân thiết nhất với David có lẽ là vị bác sĩ chữa trị chính cho cậu bé, Tiến sĩ William Shearer. Ông cũng là trưởng khoa Miễn dịch và Dị ứng tại bệnh viện nhi Texas, là người có sự cống hiến to lớn cho sự chữa trị của các bệnh nhi mắc chứng SCID hiện nay.
Tuy sống trong nhà bong bóng, nhưng David vẫn được học hành để bắt kịp với những bạn đồng trang lứa.
David rất tò mò về các vì sao trên trời. Đến năm 11 tuổi, em được bố mẹ dắt đi ngắm sao trong ngày sinh nhật.
Tháng 10/1983, các bác sĩ đã quyết định sử dụng tuỷ xương của chị gái Catherine để phẫu thuật cấy ghép tủy xương cho cậu.
4 tháng sau cuộc cấy ghép, David đã chết vì u lympho - chứng ung thư sau đó được xác định đã truyền vào cơ thể cậu bởi loại virus Epstein-Barr từ tủy xương của chị gái. Không lâu sau đó, bệnh viện nhi Texas mở ra Trung tâm David, chuyên nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị thiếu hụt miễn dịch (SCID).
Trường hợp của David trở thành một nghiên cứu y học vô cùng quí giá mà nhờ đó, những đứa trẻ mắc bệnh SCID hiện nay hầu như đều được chữa khỏi và có một cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần phải cách ly trong bong bóng.
Bác sĩ Shearer sau đó chia sẻ rằng: “Tinh thần của David là điều thật sự khiến tôi nể phục, từ cách cậu bé đối mặt với căn bệnh và thái độ cứng rắn, sẵn sàng thử nghiệm việc cấy ghép. Có được cơ hội chữa trị cho David là một đặc ân vĩ đại nhất trong đời tôi.”
(Tổng hợp)
EmoticonEmoticon