Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Tin Sức Khỏe Cách vượt qua nỗi sợ hãi ung thư của người phụ nữ U50

Một ngày của người phụ nữ sinh năm 1955 bắt đầu lúc trời mờ sáng. Ở tuổi trên 60, bà vẫn đến khu chợ quen thuộc ở quận 3, TP HCM, nơi có gian hàng của mình để buôn bán. Nhìn dáng vẻ nhanh nhảu và gương mặt tươi tắn, chẳng ai biết bà từng mắc ung thư cách đây 12 năm.

Trong một dịp tình cờ, bà Hà thử kiểm tra nhũ, bác sĩ chỉ định chụp X-quang và nhắn 6 tháng sau quay lại. Cảm thấy hơi lạ, bà có chút nghi ngờ về tình trạng của mình. Tuy nhiên, kết quả sau đó là bình thường.

Tới khoảng 6 tháng nữa, tức một năm kể từ lần đầu tiên đi khám, bà cảm thấy hơi nhói ở ngực và khi siêu âm cho thấy có dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Sau 2 ngày, với kết quả X-quang và sinh thiết, bà được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2. 

"Từ lúc bác sĩ cho đi chụp X-quang, tôi đã có cảm giác không ổn. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất - bị ung thư và có một năm chuẩn bị tinh thần để đối diện với hiện thực này", bà tâm sự. Trong thời gian đó, bà bắt đầu tìm hiểu các thông tin về căn bệnh và dự liệu mọi tình huống có thể xảy ra.

Người phụ nữ trung niên biết mình sẽ bị cắt bỏ một bên ngực, tóc rụng, nên đã tự chuẩn bị những chiếc áo lót độn mút và 3 bộ tóc giả. Bà bước vào cuộc chiến ung thư với tâm thế sẵn sàng: "Tôi sẽ thắng". "Tôi rất tự tin vì mình chỉ mới ở giai đoạn đầu, tôi không thể chết vì căn bệnh này", bà nói đanh thép.

Nhờ người thân chỉ dẫn, bà Hà tìm đến bác sĩ nổi tiếng chữa ung thư vú. Từ tháng 9/2005, bệnh nhân 5x bắt đầu phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực và hóa trị trong 6 tháng. Suốt thời gian đó, bà không bỏ một bữa ăn nào, mọi sinh hoạt vẫn như bình thường vì "bác sĩ động viên là không sao và bản thân tôi cũng thấy mình khỏe". Bà chọn dũng cảm đối diện và vượt qua mọi nỗi lo, sự mặc cảm, tự ti khi bỗng nhiên bị mất đi một bên ngực, phần định hình nữ tính của một người phụ nữ.

Có lẽ vì tinh thần lạc quan mà trong quá trình điều trị chưa lần nào làm bà mệt mỏi, cực khổ hay đau đớn. "Trong khi những bệnh nhân bên cạnh than thở thì tôi lại chẳng cảm thấy gì và không cảm thấy lo lắng. Tôi xuất viện chỉ sau một ngày phẫu thuật và nhanh chóng trở lại với nếp sinh hoạt bình thường. Khoảng 2 tuần sau thì trở lại chợ buôn bán như chưa từng phẫu thuật", bà cười.

cach-vuot-qua-noi-so-hai-ung-thu-cua-nguoi-phu-nu-u50

Nữ bệnh nhân đã chiến thắng căn bệnh ung thư nhờ tinh thần lạc quan và tuân thủ đúng phát đồ điều trị. Ảnh: NVCC.

Có khó chịu trong thời gian vào thuốc hóa trị với những triệu chứng như đầy hơi, chóng mặt nhưng không làm khó nữ bệnh nhân bản lĩnh. Chỉ có một phút giây hơi yếu lòng được bà nhắc thoáng qua. Đó là khi mổ xong và lần đầu lau mình trong một cơ thể khác xưa. Bà nói lúc ấy thật sự không can đảm nhìn vết thương vì biết nó rất dài. Rồi vài ngày sau về nhà thay băng bà mới dám nhìn xuống và thấy mình như một người đàn ông với một bên ngực phẳng lì. "Nhưng không sao, vì tôi đã chuẩn bị áo lót độn ngực", bà bình thản chia sẻ.

Cứ như vậy, nữ bệnh nhân không có cảm giác mình là một người bệnh mà cứ thảnh thơi bước qua những thời khắc khó khăn ấy. Bà cho rằng người ta suy sụp nhanh nhất chính là lúc suy nghĩ, hoang mang và lo sợ. "Có người bạn tôi đã sút mấy kg vì sợ. Có người lại bi quan, buồn vì sợ chồng bỏ. Khi càng suy nghĩ thì lại càng suy sụp. Tuy nhiên, tinh thần lạc quan có thể giúp bạn chống chọi được nỗi sợ và sự lo lắng. Quan trọng là phải tuân thủ phác đồ điều trị và nên nhớ ung thư không có nghĩa là phải chết", bà quả quyết.

Chính bà từng cắt một bài báo của bác sĩ nổi tiếng chữa ung thư Nguyễn Sào Trung mang đi photo và phát cho nhiều người. Thông điệp trong đó rất đơn giản nhưng đanh thép. Đó là bệnh ung thư không thể chết nếu mọi người đi thăm khám định kỳ và phát hiện sớm.

Trái lại, người lo lắng chính là chồng bà. Ông buồn kể từ lúc nghe tin bà bệnh. Đến nỗi khi đi phẫu thuật, bà bắt chồng ở nhà và chỉ đề chị em gái đưa đi vì sợ ông căng thẳng. Ông cũng là người khuyến khích bà đi tái tạo vú 7 năm sau đó.

Giờ đây hai bên ngực bà Hà đã đều đặn dù không hoàn hảo như trước. Và nhịp sống kể từ đó đến nay không có bất cứ thay đổi nào. Sau quá trình hóa trị, bác sĩ thông báo bà đã khỏi bệnh, chỉ dặn mỗi năm đến kiểm tra một lần. Đến lần thứ 5 là không còn phải quay lại nữa. 

"Tôi còn không có cảm giác mình từng mắc bệnh. Mọi thứ cứ trôi qua nhẹ nhàng nếu bình tĩnh, lạc quan và tìm hiểu kỹ. Tôi rất sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm điều trị với mọi người để ám ảnh về ung thư không còn là nỗi sợ về cái chết nữa", bà nói.

Trương Sanh



from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2sumMUo


EmoticonEmoticon