Sâm bí đao
Bí đao có tác dụng giải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón. Mùa hè, bạn nên nấu sâm bí đao cho cả nhà uống để hạn chế các bệnh phát sinh do nóng trong. Không chỉ giải nhiệt, sâm bí đao còn giúp làm đẹp da, mượt tóc, chống say nắng theo cách hoàn toàn tự nhiên.
Ảnh: Internet
Cách làm:
- 1,5kg bí đao già
- 20g thục địa
- 1 trái la hán quả
- 4 khúc mía lau bằng gang tay
- 10 cọng lá nếp
- 4 lít nước lạnh
Tất cả nguyên liệu bạn rửa sạch, để cho ráo nước. Mía lau chẻ từng thanh nhỏ đặt dưới đáy nồi, rồi tới bí đao cắt khoanh để nguyên vỏ và ruột, thục địa cắt miếng, la hán quả bẻ ra, sau đó cho nước lạnh vào nấu. Khi nước sôi thì hạ lửa liu riu đến khi bí đao chín mềm rục, cho lá dứa vào nấu thêm 5 phút thì tắt bếp. Đợi nước nguội, lọc lấy nước và bỏ lạnh uống dần.
Nước bông cúc, nhãn nhục
Ảnh: Internet
Cũng cùng công dụng thanh lọc, làm mát cơ thể, bông cúc và nhãn nhục được sử dụng nhiều trong mùa hè để giúp xua tan mệt mỏi do nắng nóng, hỗ trợ giấc ngủ.
Cách làm:
- 20g bông cúc sấy
- 200g nhãn nhục
- 2 viên đường phèn
- 3 lít nước
Bông cúc ngâm vào nước lạnh 10 phút, vớt ra để ráo. Nhãn nhục rửa sạch, không ngâm. Nấu nước cùng đường phèn cho tan hết, cho nhãn nhục vào nấu mềm 10 phút, thấy nhãn nở đều là được. Cho bông cúc vào, liu riu lửa thêm 5 phút thì tắt bếp. Chiết vào chai để nguội rồi trữ trong tủ lạnh dùng dần. Khi uống bạn nên ăn luôn cả cái sẽ ngon và mát hơn.
Trà khổ qua
Ảnh: Internet
Khổ qua có tính thanh nhiệt, lợi tiểu và giải độc rất tốt. Mùa hè, cả nhà nên uống thêm nước khổ qua để trị rôm sẩy, mẩn ngứa và những phát ban khó chịu có thể gặp trong mùa hè.
Cách làm:
- 6 trái khổ qua nhỏ
- 1 trái dừa tươi
- 2 viên đường phèn
Nếu chịu được cái đắng của khổ qua, bạn có thể không cho đường và dùng nóng sẽ phát huy công dụng được tốt nhất. Cắt khổ qua thành từng miếng nhỏ, bỏ hạt. Sau đó cho vào nồi nước đường phèn nấu mềm. Cuối cùng thêm nước dừa và nấu khoảng 5 phút nữa là xong. Chắt nước trà khổ qua ra chai, bỏ tủ lạnh dùng dần.
Nước đậu đen
Ảnh: Internet
Đông y cho rằng sắc đen thuộc hành Thuỷ, liên quan đến tạng Thận, có tác dụng dẫn thuốc về Thận. Một số loại thuốc, nhất là hà thủ ô, vị thuốc bổ Thận, làm đen râu tóc, thường được sao tẩm nhiều lần với đậu đen. Đậu đen được dân gian làm đồ uống giải nhiệt từ xa xưa, không chỉ bổ dưỡng mà nó còn dùng trong chế biến thuốc.
Cách làm:
- 100g đậu đen lòng xanh
- 1 lít nước
Đâu đen rửa sạch với nước, loại bỏ hạt hỏng và để ráo nước. Cho đậu vào chảo lớn rang với lửa vừa đến khi đậu thơm, tách vỏ. Chú ý đảo đều tay để không bị cháy đậu nhé! Cho nước vào nồi đun sôi, cho hết số đậu đã rang vào nước và đun cho đậu sôi 10 phút thì tắt bếp, đậy vung ủ thêm 15 phút nữa. Rây lấy nước cho vào chai thủy tinh, để trong tủ lạnh dùng dần.
Nước gạo lứt
Ảnh: Internet
Gạo lứt bổ sung nhiều dinh dưỡng, chống độc, bổ gan, bổ thận, tăng hồng cầu, trị táo bón, nhuận gan mật và lợi tiểu, ngăn ngừa loãng xương, viêm khớp. Vì vậy ngoài thanh nhiệt lại giúp bồi bổ cơ thể khi gặp thời tiết nóng bức.
Cách làm:
- 100g gạo lứt
- 2 lít nước
Vo sơ gạo qua một lần và đổ nước vào nấu đến khi gạo nhừ mềm. Cách thứ 2, bạn có thể cho gạo lứt đổ vào chảo rang cho thơm rồi nấu. Muốn nước cho vị đậm đà hơn, bạn hãy thêm ít hạt muối. Rây lấy nước gạo cho vào chai. Thức uống này dùng nóng sẽ ngon hơn. Hoặc không, bạn có thể cho thêm đường và uống như những loại nước mát trên.
Nước atiso, lá nếp
Ảnh: Internet
Atisô có tác dụng trong việc bảo vệ sức khoẻ, giải nhiệt cho cơ thể và đặc biệt là loại cây này còn giúp chúng ta chống, ngăn ngừa một số bệnh như ung thư, phục hồi chức năng gan…
Cách làm:
-5 bông atiso
-1 bó lá nếp
-2 viên đường phèn
Bông atiso rửa sạch, cắt làm đôi. Lá nếp rửa sạch, cột lại thành bó. Cho bông atiso vào nồi ngập nước, nấu sôi 30 phút, tắt bếp và đậy nắp ủ trong vòng 6 tiếng cho bông ra hết chất ngọt. Có thể dùng nồi áp suất hoặc nồi ủ để tiết kiệm thời gian. Sau khi hầm xong, bạn bắc lên bếp, cho lá nếp và đường phèn vào nấu sôi 5 phút là xong. Bông atiso bạn không nên bỏ đi mà hãy ăn luôn rất ngon và bổ dưỡng.
(Tổng hợp)
EmoticonEmoticon