Gây mê được coi như đột phá y học. Nó không chỉ cho phép con người thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp mà còn hỗ trợ giai đoạn phục hồi.
Theo Times, nhân loại từ lâu đã biết đến gây mê. Người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại lấy chiết xuất từ các loài thực vật như cây thuốc phiện, cây phỉ ốc để giảm đau. Đầu những năm 1800, Humphry Davy phát hiện tác dụng tương tự ở khí cười (nitơ oxít) nhưng hầu hết thầy thuốc còn dè dặt trong việc gây mê bởi tin rằng cảm giác đau đớn thúc đẩy quá trình chữa lành.
“Kỹ thuật gây mê hiện đại xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, chủ yếu do các bác sĩ phẫu thuật thực hiện trên chính bản thân”. Michael Sander, trưởng khoa Gây mê Bệnh viện Charité tại Berlin (Đức) cho biết. Năm 1846, ête được ứng dụng cho gây mê nhưng lại dẫn đến nguy cơ nổ phòng phẫu thuật. Ngày nay, y học chủ yếu dùng các khí ga chất lượng cao như sevofluran, desfluran hoặc xenon nhằm đảm bảo an toàn.
Bất chấp mọi biện pháp phòng ngừa, gây mê vẫn có rủi ro nhất định. Những năm 1940, cứ một triệu bệnh nhân được gây mê toàn thân thì 640 người chết. Đến cuối thập kỷ 1980, tỷ lệ này giảm xuống còn 4 trên một triệu nhờ nâng cấp tiêu chẩn an toàn cùng chất lượng đào tạo y tế. Tuy nhiên, năm 2011, bài viết trên tạp chí Deutsches Ärzteblatt của Hiệp hội Y khoa Đức chỉ ra số bệnh nhân tử vong do gây mê trên toàn cầu đã tăng trở lại, khoảng 7 trên một triệu.
"Sự tăng lên về số ca tử vong vì gây mê không phải biểu hiện suy giảm chất lượng chăm sóc. Đó là do ngày càng có nhiều bệnh nhân cao tuổi được phẫu thuật", bác sĩ André Gottschalk, Giám đốc Khoa gây mê Bệnh viện Đại học Bochum nói. Ông giải thích gây mê toàn thân đặc biệt nguy hiểm với người già mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao: "Gây mê và phẫu thuật tạo áp lực cho cơ thể. Hiếm khi bệnh nhân chết trên bàn mổ nhưng rất dễ gặp nguy cơ tử vong do căng thẳng sau sang chấn mà ca phẫu thuật dài để lại".
Bên cạnh đó, mỗi bệnh nhân lại phản ứng khác nhau với thuốc mê khiến thầy thuốc khó lường hết. "Rất khó để ước tính bao nhiêu thuốc mê là đủ với người béo phì", Gottschalk tiếp tục. Ông lưu ý quá nhiều thuốc sẽ dẫn đến hạ huyết áp nhanh chóng, buộc đội ngũ y tế phải ngay lập tức can thiệp bằng thuốc tăng huyết áp.
Ảnh: Medical News Today. |
Ngoài thể trạng, nhiều trường hợp tử vong do gây mê xuất phát từ sai lầm của nhân viên y tế. Thậm chí, tiến sĩ Howard Nearman, cựu trưởng khoa Gây mê Bệnh viện Đại học Cleveland nhận định tuổi tác không phải vấn đề mà thiết bị, thuốc và nhân viên chăm sóc mới là 3 yếu tố chính dẫn đến biến chứng gây mê.
Năm 2004, nhà văn nổi tiếng Olivia Goldsmith qua đời ở tuổi 54 giữa ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Manhattan. Telepgrah trích dẫn chia sẻ người trợ lý cho biết Goldsmith "ngừng tim và ngừng thở trong lúc gây mê toàn thân". Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Manhattan bị phạt 20.000 USD vì không kịp thời phản ứng. Trước đó 4 tháng, cơ sở y tế này còn gây ra cái chết của Susan Malitz 56 tuổi khi nhân viên y tế tiêm thuốc mê vào sai vị trí trên cổ bệnh nhân.
Ngày 4/9/2014, nữ diễn viên huyền thoại Joan Rivers 81 tuổi ra đi sau ca phẫu thuật họng. Cơ quan chức năng xác định bà không thể tỉnh lại từ trạng thái hôn mê vì tổn thương não. Trải qua 2 tháng điều tra, nhiều sai sót phía cơ sở y tế phẫu thuật cho Rivers bị phát hiện, trong đó có sử dụng liều thuốc mê không chính xác.
Gần đây nhất, ngày 24/9/2016, South China Morning Post đưa tin Ricky Ho Kam-chuen 64 tuổi tử vong do biến chứng từ ca phẫu thuật phổi Bệnh viện Hong Kong Baptist thực hiện. Khám nghiệm pháp y cho thấy nồng độ thuốc mê trong cơ thể bệnh nhân đạt 11 mg trên một ml máu, gấp đôi liều lượng tối đa theo khuyến cáo và nằm ở mức nguy hiểm. Các nhà điều tra kết luận tim ông Ho "là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến cái chết" nhưng không phải nguyên nhân chủ yếu. Chính lượng thuốc quá liều đã tước đi cơ hội sống của bệnh nhân.
Không chỉ người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng dễ gặp rủi ro do gây mê. Đầu năm nay, Frances Cappuccini (Anh) được gây mê toàn thân để đẻ mổ. Trong khi vượt cạn, cô giáo 30 tuổi chảy máu dữ dội song các bác sĩ kịp thời xử lý. Đến chiều cùng ngày, đội ngũ y tế tin tình trạng Cappuccini đã ổn định nên cử hai bác sĩ gây mê chăm sóc, khôi phục khả năng tự thở cho nữ bệnh nhân. Cuối cùng, Cappuccini bị ngừng tim và ra đi mãi mãi.
Ở trẻ em, các ca tử vong vì gây mê thường xảy ra tại phòng khám nha khoa. Ngày 20/7/2016, People đăng tin Marvelena Rady 3 tuổi (Mỹ) qua đời trong lúc chữa răng. Homam Rady, cha em bé kể lại nha sĩ thông báo với gia đình rằng bệnh nhi cần gây mê do hàm răng quá nhiều vấn đề. Quá trình điều trị kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến. Bất ngờ, Marvelena ngừng thở. Đội cấp cứu nhanh chóng có mặt đưa bé gái đến bệnh viện nhưng 40 phút sau bệnh nhi tử vong. Vài tháng trước đó Daisy Lynn Torres 14 tuổi cũng ra đi vì lý do giống Marvelena.
Những tai nạn hy hữu vẫn xảy ra, tiến sĩ Nearman khẳng định gây mê toàn thân rất an toàn bởi các sự cố không hề khó xử lý nếu đội ngũ y tế biết phối hợp làm việc một cách hiệu quả. "Tất cả bác sĩ cần nắm rõ cách thức xử lý biến chứng phát sinh", ông nói. Chung quan điểm, bác sĩ gây mê Samson Otuwa từ Bệnh viện Đại học Southern Nevada chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng bác sĩ gây mê quan trọng như chính ca mổ vậy. Nếu họ không làm tốt, kết quả phẫu thuật có thể sẽ không như ý muốn".
Minh Nguyên
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2ibXpnK
EmoticonEmoticon