Không để muỗi đốt không có Zika
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tại cả nước đến thời điểm này, đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm virus Zika.
Trên địa bàn Hà Nội, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào mắc virus ZiKa và đã là 57 mẫu xét nghiệm PCR âm tính với virus Zika.
GS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Có tới 60-80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Ở những trường hợp có biểu hiện bệnh thường khởi phát đột đột với các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5 độ C đến 38 độ C, ban dát sần trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc và nguy hiểm hơn bệnh có thể biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm màng não hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là thời kỳ 3 tháng đầu. Khi trẻ em mắc hội chứng đầu nhỏ không chỉ chậm phát triển trí tuệ mà còn vận động khó khăn, co giật, khó ăn uống…
Khi người mẹ bị mắc virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ trẻ mắc dị tật này là từ 1-10%. Tại Brazil (châu Mỹ) - nước có dịch bệnh do virus Zika đứng đầu thế giới đã có hơn 1,5 triệu ca mắc và gần 4.000 trẻ mắc bệnh đầu nhỏ bị nghi ngờ có liên quan đến việc mẹ bị nhiễm virus Zika.
Tuy nhiên theo GS.TS Trần Đắc Phu, thai nhi bị dị tật do virus Rubella (khi mẹ mắc Rubella) có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ bằng phương pháp siêu âm. Khi đó, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nên giữ hay đình chỉ thai nghén đối với thai nhi bị dị tật. Còn đối với dị tật đầu nhỏ do virus Zika chỉ có thể phát hiện ở tháng cuối thai kỳ, khi thai đã quá lớn. Do đó, việc phòng ngừa, dự phòng virus Zika cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ hoặc phụ nữ đang dự định có thai rất quan trọng. Vì vậy, với chị em phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus Zika nên đi khám tại trung tâm sản khoa, bệnh viện để giám sát, tầm soát siêu âm, kể cả với những phụ nữ đến đẻ để phát hiện những trường hợp có nghi ngờ Zika để làm các xét nghiệm liên quan.
Việc phòng chống bệnh do virus Zika rất cần thiết nhưng người dân không nên quá sợ hãi, hoang mang. Đối với chị em phụ nữ có thai cũng không nên quá lo lắng. Với chị em phụ nữ mang thai từ 3 tháng trở xuống mà đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp cận với người mắc bệnh mới nên đi khám để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, cũng cần đề phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, không đi vào những vùng có nhiều muỗi, bôi thuốc chống muỗi đốt. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng ở trong nhà và sân vườn xung quanh, không để muỗi đốt, không có Zika.
Hội chứng đầu nhỏ do virus Zika để lại rất nguy hiểm
Hiện nay, dị tật teo não được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là không thể chữa được. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng chống virus Zika cũng như thuốc đặc trị các bệnh gây ra bởi virus này.
Những đứa trẻ ra đời với dị tật teo não do vi-rút Zika gây ra không chỉ có phần đầu nhỏ bất thường mà còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe trong suốt những năm đầu đời.
Những thai nhi sống sót sau khi sinh sẽ phải chịu các dị tật bẩm sinh do virus phá hủy các mô não đã hình thành, gây tác hại nghiêm trọng tới sự phát triển não bộ và giác quan vận động của trẻ. Tệ hơn trẻ có thể tử vong nếu các chức năng quan trọng nhất để duy trì sự sống không được não điều khiển.
Mức độ nguy hiểm của bệnh đầu nhỏ khác nhau theo từng trường hợp cụ thể. Nhiều trẻ sơ sinh ở Nam Mỹ chào đời với chứng teo não phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe trong suốt những năm đầu đời. Nhìn chung, nhận thức, vận động và khả năng giao tiếp nói chuyện của trẻ bị chậm phát triển. Chứng bệnh này còn gây tác hại xấu tới các bộ phận khác của cơ thể như làm biến dạng khuôn mặt, bệnh còi cọc. Tăng động, co giật và các vấn đề liên quan đến cân bằng, phối hợp cũng là một trong những tác hại mà chứng bệnh teo não gây ra cho trẻ nhỏ.
Hiện nay, dị tật teo não đến nay được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là không thể chữa được. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng chống virus Zika cũng như thuốc đặc trị các bệnh gây ra bởi virus này.
Những đứa trẻ nhiễm Zika có thể bị hạn chế thị giác, thính giác, khả năng vận động và tổn thương não trầm trọng. Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có phương pháp điều trị nào giúp não của trẻ mắc bệnh phát triển với kích cỡ thông thường mà chỉ có thể tác động để kiểm soát khuyết tật thần kinh nhận thức, vận động và vấn đề ngôn ngữ cho trẻ.
Tránh nhầm lẫn với bệnh khác
Trong khi đó, bệnh do virus Zika có những triệu chứng không điển hình nên nhiều người chủ quan bỏ qua. Đôi khi nhiều người nhầm lẫn như sốt, phát ban, mệt mỏi, đau khớp, đỏ mắt do đó rất dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Thậm chí, nhiều người còn không có biểu hiện bệnh.
Bởi đôi khi bệnh do virus Zika gây ra lại có triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng trong việc phòng ngừa virus Zika. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh, hàng chục trẻ bị bệnh đầu nhỏ sẽ là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Điều đặc biệt với các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
Hiện nay, Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà bị sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.
EmoticonEmoticon