Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Tin Sức Khỏe Đại tràng dài bất thường khiến người phụ nữ bị táo bón suốt 20 năm

Nữ bệnh nhân 41 tuổi tại Long An bắt đầu bị táo bón từ tuổi đôi mươi. Tình trạng nặng dần, đặc biệt sau khi sinh con lúc nào chị cũng phải mang thuốc xổ theo người, chạy chữa tốn kém, mệt mỏi nhiều nơi vẫn không cải thiện. Gần đây cứ khoảng 10 ngày hoặc 2 tuần, khi bụng chướng to, căng tức thì chị uống một lúc 6,7 viên thuốc xổ để ép mình đi tiêu.

Bác sĩ Phan Văn Sử, Bệnh viện Bình Dân cho biết cho biết bệnh nhân đã từng thất bại với điều trị nội khoa nên các bác sĩ quyết định thực hiện các cận lâm sàng kiểm tra. Kết quả chụp X-quang đại tràng có cản quang cho thấy bệnh nhân có đại tràng sigma dài nhiều, đại tràng ngang dài. Do tình trạng táo bón lâu ngày, manh tràng bệnh nhân có dấu hiệu giãn. Đại tràng dài thường gây chậm nhu động đại tràng dẫn tới táo bón. 

Hình ảnh đại tràng dài trước khi phẫu thuật. Ảnh: T.N

Hình ảnh đại tràng dài trước khi phẫu thuật. Ảnh: T.N

Theo bác sĩ Sử, để xác định chính xác nguyên nhân, bệnh nhân được cho thực hiện thêm Xquang đại tràng sau uống viên thuốc có 24 vòng cản quang. Kết quả qua 5 ngày, còn tới 20 vòng vẫn nằm trong lòng khung đại tràng, tập trung ở đoạn đại tràng sigma dài, thay vì bị tống ra ngoài theo đường tự nhiên chỉ sau 30 đến 38 giờ.

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt ngắn đại tràng sigma để điều chỉnh nhu động ở đoạn đại tràng này, giúp giải quyết tình trạng táo bón cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện qua nội soi ổ bụng đã cắt bỏ 80cm đại tràng sigma đoạn dài bất thường, nối đại tràng - đại tràng bằng máy cắt nối nội soi. 

3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, bắt đầu được cho ăn cháo. Đến hôm sau, lần đầu tiên trong hơn chục năm, bệnh nhân có cảm giác đau quặn nhẹ bụng và đi tiêu bình thường. Sau một tháng xuất viện, chị đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng táo bón.

Bệnh nhân hồi phục sau khi phẫu thuật. Ảnh: T.N

Bệnh nhân hồi phục sau khi phẫu thuật. Ảnh: T.N

Bác sĩ Sử cho biết, táo bón ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa như trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa niêm trực tràng, lồng trực tràng ống hậu môn hay sa các tạng chậu khác... Táo bón mạn do chậm nhu động đại tràng chiếm 15% đến 37% trường hợp và thường gặp ở nữ giới.

Bệnh lý này có thể được điều trị bằng ngoại khoa, cắt bỏ bán phần hay toàn phần đại tràng qua nội soi, với vết mổ rất nhỏ, hậu phẫu nhẹ, thời gian nằm viện ngắn. Nếu không can thiệp sớm, sẽ dẫn đến hậu quả đại tràng giãn lớn một đoạn hoặc toàn bộ đại tràng. Đại tràng mất khả năng vận chuyển phân gây tình trạng ứ đọng kéo dài, tạo thành sỏi phân trong lòng đại tràng và gây tắc ruột do sỏi phân.

Lê Phương



from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2fLvXeD


EmoticonEmoticon