Những người cơ địa dị ứng hít phải phấn hoa có thể làm khởi phát cơn hen. Ảnh minh họa: Health. |
Vài ngày trước hàng nghìn người Australia đã phải nhập viện, ít nhất 6 người chết vì các bệnh hô hấp, hen suyễn, dị ứng, do cơn bão làm phát tán phấn hoa ở bang Victoria. Ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc vào mùa đông nhiều loại hoa nở rộ cũng là mùa gây khó chịu cho người bị hen suyễn, bệnh hô hấp mãn tính. Ngoài việc phải giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, người bệnh được bác sĩ khuyến cáo phải cẩn trọng với các loại phấn hoa trong không khí do dễ gây viêm nhiễm kích ứng cơn hen.
Bác sĩ Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hơn 300 triệu người trên thế giới được chẩn đoán bị hen phế quản. Ở Việt Nam ước tính khoảng 5% dân số mắc bệnh này. Trong số các yếu tố gây khởi phát cơn hen, phấn hoa được xem là một ''thủ phạm tự nhiên nguy hiểm'' mỗi khi vào đợt phát tán có thể khiến hàng nghìn người lên cơn hen cùng lúc, nhiều nạn nhân tử vong do không được điều trị kịp thời. Châu Âu ghi nhận 40% dân số có tình trạng dị ứng phấn hoa.
Theo The Guardian, lịch sử thế giới từng ghi nhận nhiều trận giông bão làm phát tán phấn hoa gây hen suyễn trên diện rộng dẫn đến tử vong hàng loạt. Đến nay giới khoa học chưa thể lý giải chính xác hiện tượng trên, các chuyên gia chỉ đưa ra giả thuyết là sự xuất hiện của giông bão khiến một số loại phấn hoa bị cuốn vào những đám mây ẩm ướt, vỡ nhỏ rồi phát tán theo không khí. Khi vỡ, mỗi hạt phấn hoa có thể giải phóng hơn 500 hạt siêu nhỏ. Chúng phát tán dày đặc trong không khí, dễ dàng bám vào phổi của con người gây co thắt khí phế quản, khó thở.
Trường hợp nhẹ hơn, phấn hoa bay vào mắt, mũi hoặc bám vào da người gây ra dị ứng. Các dấu hiệu thường gặp của tình trạng dị ứng là sổ mũi, sung huyết mũi, hắt hơi, ngứa rát họng, chảy nước mắt, mắt sưng đỏ. Bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở, khó thở do khí phế quản bị co thắt, kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa. Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Thiên Tài, điều trị hen suyễn nói riêng và các bệnh lý dị ứng nói chung, nguyên tắc căn bản là tìm ra tác nhân gây bệnh. Thầy thuốc có thể thực hiện nhiều nghiệm pháp để tìm ra tác nhân gây dị ứng cụ thể đối với từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Chẳng hạn, đối với nạn nhân hít phải phấn hoa dẫn đến cơn hen kịch phát cần được dùng thuốc (thường ở dạng hít) để giảm triệu chứng và cắt cơn hen ngay lập tức. Sau đó bác sĩ kê đơn thuốc uống hàng ngày giúp bệnh nhân giảm phù nề đường hô hấp và hít thở thoải mái hơn.
Các chuyên gia về dị ứng miễn dịch khuyến cáo cộng đồng phòng ngừa dị ứng dựa trên nguyên tắc cơ bản là tránh tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây ra dị ứng. Chẳng hạn, người bị dị ứng với phấn hoa nên hạn chế ra ngoài vào mùa hoa cỏ nở rộ vì khi đó phấn hoa thường phán tán dày đặc trong không khí. Cần thường xuyên rửa mũi bằng dung dịch nước muối pha loãng. Gội đầu hàng ngày để làm sạch phấn hoa bám trên tóc. Thường xuyên giặt quần áo, chăn gối, đồng thời hạn chế đến các vườn hoa là nơi có nhiều bụi phấn hoa và bào tử phán tán.
Video Cách phòng trị khi lên cơn hen suyễn
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2gHQCxA
EmoticonEmoticon