Công việc lái xe tải đường dài khiến anh Nguyễn Văn Tuấn làm bạn đồng hành với thuốc lá và cà phê suốt nhiều năm qua. Song anh không ngờ rằng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến anh phải nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim. "Bình thường tôi hút ngày một bao thuốc lá, nhưng khi cao điểm việc nhiều, lái xe đêm hôm, tôi phải hút 2 bao mới thấy bớt căng thẳng, đầu óc tập trung và tỉnh táo trên cung đường", anh kể.
Ngoài việc nghiện thuốc lá, cà phê, công việc chủ yếu ngồi trên xe nên anh Tuấn ít có cơ hội tập thể dục và ăn uống điều độ. Anh cho biết, có những ngày nhiều việc phải làm 13-14 tiếng. Rảnh lúc nào thì bạn bè lại gọi đi nhậu, nên việc tập thể dục trở thành điều xa xỉ. Hơn nữa, anh tài xế nghĩ mình còn thanh niên sung sức nên chủ quan, không bao giờ đi khám sức khỏe định kỳ.
Khoảng thời gian sau Tết, công việc không nhiều như trước đó nhưng anh thường xuyên có cảm giác đau căng và thắt chặt ở giữa ngực, sau đó lan tỏa đến cánh tay, vai, cổ, tim đập mạnh liên hồi, toát mồ hôi, buồn nôn, khó thở, chóng mặt… Ban đầu anh nghĩ bị trúng gió nên nhờ người nhà cạo gió, giác hơi. Các triệu chứng có giảm, nhưng sau đó vài ngày lại xuất hiện với mức độ nặng hơn. Cơn đau ngực khiến anh thoáng nghĩ đến bệnh tim, song vẫn chủ quan không thăm khám vì cho rằng chỉ người già mới bị.
Đến khi cơn đau ngực không chịu đựng nổi, khó thở, choáng váng, người nhà mới đưa anh Tuấn đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, mỡ máu cao và tăng cholesterol. Cơn nhồi máu bất ngờ khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu, suy tim, nếu can thiệp động mạch vành và đặt stent mạch vành để thông máu nuôi tim chậm một phút có thể tử vong.
Bác sĩ khuyên anh nên đổi nghề hoặc đổi lối sống, cai thuốc lá, cà phê và tập một số môn thể dục tốt cho tim như đi bộ, bơi lội… Bởi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi đang điều khiển xe tải có thể gây hại đến nhiều người xung quanh.
Gần 6 tháng trôi qua kể từ ngày cấp cứu, người đàn ông mới 28 tuổi vẫn không thôi ám ảnh cơn đau thập tử nhất sinh. Hiện anh Tuấn tái khám định kỳ theo bác sĩ chỉ định, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, bỏ hẳn thuốc lá, cà phê và nghiên cứu tìm công việc mới để có thể chung sống hòa bình với trái tim từ nay đến cuối đời.
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. |
Trường hợp nhồi máu cơ tim khi mới ngoài đôi mươi như anh Tuấn không hiếm. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn An Huy - Trưởng khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nếu như trước đây, bệnh nhân tim mạch chủ yếu ở độ tuổi trung niên, thì nay có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở người trên dưới 30 tuổi.
"Mỗi tháng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có trên 5.000 bệnh nhân điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, chủ yếu tăng huyết áp và mạch vành mãn tính, trong đó 10% là người trẻ, con số này 2 năm trước chỉ khoảng dưới 5%", bác sĩ An Huy cho biết.
Cũng theo bác sĩ An Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Ngoại trừ người bị tim bẩm sinh, số còn lại mắc bệnh do tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen ít vận động… Tùy vào từng bệnh lý mà bệnh nhân sẽ có các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Nếu thấy tim đập nhanh, ngực đau dữ dội, khó thở, chóng mặt, vã mồ hôi… cần thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu mang các bệnh nguy cơ như mỡ máu, tiểu đường, tăng huyết áp… nên thực hiện thử mỡ máu trong gói tầm soát khám sức khỏe định kỳ. Hiện có nhiều kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim mạch. 13 năm qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện vô số ca can thiệp mạch vành đơn giản lẫn phức tạp, phẫu thuật tim hở và sắp tới triển khai thêm kỹ thuật mổ nội soi.
An San
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2dazP78
EmoticonEmoticon