Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Tin Sức Khỏe Bà cụ tranh cãi với bác sĩ đòi phải được mổ

Hai ngày trước người phụ nữ vào phòng khám sản phụ khoa do có các triệu chứng đau vùng chậu. Bác sĩ Thương khám, chẩn đoán bà bị sa tạng vùng chậu tức tử cung, bàng quang, trực tràng... đều bị sa ra ngoài âm đạo. Tình trạng này bệnh nhân không cần phẫu thuật mà chỉ điều trị bảo tồn. Bệnh nhân kiên quyết không chịu, đòi phải mổ cho bằng được. "Tôi đã lớn tuổi nhưng còn khỏe lắm, bác sĩ cứ mổ cho tôi", bà cụ nằn nì. 

Bác sĩ phải "năn nỉ" bệnh nhân: "Tôi khuyên bác chưa mổ là vì thương bác". Bác sĩ giải thích, người lớn tuổi giống như chiếc xe chạy lâu năm, dù trông vẫn khỏe nhưng thực tế không hư ốc vít này cũng trục trặc bình xăng kia.

"Khi mổ bác phải được gây tê hoặc gây mê, nhiều khi tim, phổi lộ ra vấn đề không tốt. Hơn nữa cuộc mổ nào cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng, trong khi bệnh của bác chưa thật sự cần thiết phải mổ", bác sĩ Thương tranh luận khi người phụ nữ cứ khăng khăng đòi được mổ. Nét mặt bà lộ rõ sự nghi ngại, phân vân lẫn hoang mang khi bác sĩ nói: "Nếu tôi cứ mổ cho bác thì tôi sẽ có tiền, nhưng lỡ có tai biến thì tôi sẽ ân hận, đồng nghiệp chê cười và điều quan trọng nhất là bác sẽ bị tổn thương".

Ảnh minh họa: toonpool

Ảnh minh họa: toonpool

Tranh luận mãi vẫn không thuyết phục được bác sĩ "mổ cho tôi", bà cụ thú thật đã được một người quen là bác sĩ lớn tuổi viết giấy giới thiệu vào bệnh viện để mổ, song bác sĩ bệnh viện "bảo là không sa tạng chậu, không xử lý gì rồi cho về". "Tôi muốn được mổ như bác sĩ quen với tôi đã nói", bệnh nhân khẳng định.   

Phát hiện được nguyên nhân, bác sĩ Thương cho rằng có lẽ bác sĩ bệnh viện do đông bệnh nhân nên đã không giải thích rõ bệnh trạng cho người phụ nữ. Ông mời bà cụ hôm sau trở lại bệnh viện để thăm khám lại và có hướng điều trị. Sau những xét nghiệm, bệnh nhân sau đó trải qua thủ thuật đặt dụng cụ để nâng tạng vùng chậu bị sa lên. Bà không phải mổ song vẫn thấy rất hài lòng vì được "làm thủ thuật". Hiện sức khỏe hồi phục tốt, bà cụ gọi điện ríu rít cảm ơn bác sĩ.

Chia sẻ với VnExpress.net, bác sĩ Thương cho rằng bệnh nhân thường rất nhạy cảm và tin vào chẩn đoán của bác sĩ quen biết hơn là bác sĩ trực tiếp thăm khám điều trị cho mình. Với bà cụ này, có lẽ bà đã bị ám ảnh bởi lời khuyên "phải mổ" của bác sĩ quen nên luôn nghĩ bác sĩ điều trị cho mình chẩn đoán không đúng. "Bệnh nhân thường nhạy cảm nên đôi khi cử chỉ hay thái độ của bác sĩ lạ một chút sẽ khiến họ bị ám ảnh dài lâu", bác sĩ Thương chia sẻ.

Lê Phương



from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2swcHIQ


EmoticonEmoticon