Mỗi ngày, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám 400-500 trẻ, trong đó 25% mắc bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Thời điểm giao mùa hiện nay, số trẻ bệnh hô hấp đến viện khám tăng gấp 1,5 lần. Nhiều trường hợp bố mẹ tự điều trị cho con (theo đơn thuốc cũ hoặc tự chọn thuốc) hoặc để người bán thuốc kê đơn khiến bệnh trở nặng hơn, dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp nặng…
Bác sĩ Trương Văn Quý, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết; nhập viện muộn khiến việc điều trị cho trẻ khó khăn và kéo dài hơn. Có bé phải thở máy điều trị viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản, thậm trí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn.
Rút lõm lồng ngực khi thở là biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm phổi. |
Theo bác sĩ Quý, viêm phổi là nguyên nhân nhập viện hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp ở trẻ. Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nhanh nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Vì thế không phải lúc nào dùng kháng sinh cũng hiệu quả.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh mà cần đưa trẻ đến bác sĩ khám. Trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, đẻ non, thiếu cân, mắc các bệnh tim bẩm sinh, cơ địa dị ứng… dễ mắc bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao.
Biểu hiện viêm phổi ở trẻ rất đa dạng và tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và có thể thấy trẻ tím tái khi tiến triển nặng. Khi trẻ có các biểu hiện trên thì cha mẹ nên đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Trong quá trình theo dõi trẻ thì cần lưu ý các biểu hiện của bệnh nặng hơn như sốt cao và tần số sốt dày, mệt và li bì, ăn uống kém, thở nhanh. Mẹ nên vén áo trẻ, quan sát lồng ngực để đếm nhịp thở. Trẻ bị viêm phổi có nhịp thở nhanh. Tiêu chuẩn thở nhanh theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới là hơn 60 lần trong một phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, hơn 50 lần một phút với trẻ 2 tháng đến 12 tháng tuổi và hơn 40 lần một phút với trẻ 1-5 tuổi.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu. Cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể do bị bệnh. Ở trẻ sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng.
Trẻ ho, chảy mũi, thở bằng miệng, sốt, không có các dấu hiệu như thở nhanh, co rút lồng ngực, thở rít khi nằm yên..., nhiều khả năng không bị viêm phổi mà chỉ ho cảm thông thường. Một số có thể khò khè. Các bé này thường bệnh do virus, không cần dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng, bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin để tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ... Xịt mũi cho trẻ cũng cần đúng cách, xịt xong phải hút hết chất nhầy trong mũi, nên xịt trước khi đi ngủ giúp trẻ ngủ dễ hơn, có thể xịt trước bữa ăn để tránh tình trạng trẻ bị nôn trớ.
Hướng dẫn xử trí khi trẻ sốt cao, co giật
Phương Trang
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2q9zh5K
EmoticonEmoticon