Bác sĩ Foo Kian Fong, tư vấn cấp cao tại Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, nhìn nhận một số loại thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ trợ hữu hiệu cho người bị ung thư. Tuy nhiên bất kỳ thảo dược nào cũng có "hai mặt", vì vậy trước khi quyết định sử dụng phương thuốc bổ trợ nào, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng phù hợp.
Nấm linh chi là vị thuốc bổ thường được bệnh nhân ung thư sử dụng. Ảnh: namlinhchi. |
Nghiên cứu tại Singapore, hơn 50% bệnh nhân ung thư có sử dụng thảo dược bổ sung và thay thế (gọi tắt là CAM), song đến 46% bệnh nhân không báo cho bác sĩ ung thư của họ biết. Các chuyên gia cảnh báo điều này rất nguy hiểm bởi trên thực tế các thành phần thảo mộc có thể phản ứng với liệu pháp hóa trị hoặc xạ trị gây tác dụng ngược cho sức khỏe của người bệnh.
Ung thư có thể trở nên nặng hơn nếu bệnh nhân sử dụng đơn thuốc y học cổ truyền đa thành phẩn. Trên thực tế, một bài thuốc có thể bao gồm 15 đến 20 loại thảo mộc để điều trị nhiều yếu tố gây ung thư, chẳng hạn như rối loạn chức năng, giảm đờm, lưu thông khí huyết... "Để đảm bảo thuốc không gây tác dụng ngược, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa về bất kỳ loại thuốc nào bạn muốn sử dụng. Nếu thuốc đó an toàn, bác sĩ sẽ tư vấn về số lượng và thời gian dùng phù hợp", bác sĩ Foo khuyên.
Theo bác sĩ Foo, một số ưu và nhược điểm của các loại thảo mộc bổ trợ phổ biến như sau:
Nấm linh chi: Giúp cải thiện hệ miễn dịch của người bệnh và chống mệt mỏi. Tuy nhiên, quan sát lâm sàng cho thấy 25% bệnh nhân dùng nấm linh chi khi đang hóa trị lại gặp các vấn đề gan.
Thảo mộc chứa hormone: Người ung thư vú có thụ thể hormone dương tính như ER- hoặc PR- dương tính nên tránh dùng thảo mộc chứa phytoestogen. Những loại thảo mộc này bao gồm nhân sâm, đảng sâm, bách xù, khoai lang, dâm dương hoắc, DHEA và thiên ma. Phân tích dược lý cho thấy nhân sâm chứa chất chống oxy hóa, có thể làm giảm hiệu quả của phác đồ xạ trị ung thư.
Đông trùng hạ thảo: Các thí nghiệm gần đây về tế bào ung thư ghi nhận đông trùng hạ thảo chứa 4 thành phần phụ có hoạt động chống oxy hóa và chống ung thư. Tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu hay báo cáo khoa học uy tín nào khẳng định tác động tích cực này trên bệnh nhân ung thư.
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2pBeWK4
EmoticonEmoticon