Dù mới thử nghiệm với chuột, giới khoa học vẫn tỏ ra lo lắng bởi các tác động tiêu cực nhiều khả năng cũng diễn ra ở con người. "Phát hiện này cần được kiểm tra lại", tiến sĩ bệnh học, miễn dịch học và sinh học phân tử Michael Diamond từ Đại học Washington (Mỹ) đứng đầu công trình trên cho biết.
Ảnh: Today. |
Theo Reuters, để nghiên cứu Zika, tiến sĩ Diamond cùng đồng nghiệp đã tiêm virus vào chuột đực. Sau 4 tuần, tinh hoàn của chuột nhiễm bệnh nhỏ đi một phần mười so với kích thước cũ và cấu trúc bên trong bao gồm các ống sinh tinh rất quan trọng để tạo tinh trùng mới bị phá hủy.
Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy Zika tấn công, giết chết tế bào Sertoli vốn có tác dụng duy trì rào cản giữa máu và tinh hoàn, đồng thời tạo môi trường cho tinh trùng phát triển. Nguy hiểm hơn, tế bào Sertoli không tái sinh. "Vấn đề nằm ở chỗ virus ảnh hưởng đến phần không thể hồi phục nếu bị hư hại", tiến sĩ Diamond nhấn mạnh.
Dựa vào xét nghiệm chức năng tinh hoàn, đội ngũ tác giả kết luận lượng tinh trùng, hormone sinh dục và khả năng sinh sản của chuột đực nhiễm Zika đều hạ xuống. Tỷ lệ thụ thai thành công với chuột cái khỏe mạnh của chuột đực dương tính với virus cũng giảm đi 4 lần.
Trước đây, một số công trình chỉ ra Zika tồn tại tối đa 6 tháng trong tinh dịch nhưng chưa xác định được liệu nó gây hại hay không. Hiện chưa có văcxin hay thuốc đặc trị Zika. Từ trước đến nay, nỗ lực chống Zika toàn cầu chủ yếu tập trung bảo vệ phụ nữ mang thai bởi virus tác động nghiêm trọng đến thai nhi, dẫn đến bệnh đầu nhỏ cùng nhiều bất thường khác về não.
Minh Nguyên
from Sức khỏe - VnExpress RSS http://ift.tt/2fpBoSh
EmoticonEmoticon