ĐĂNG KÝ THAM DỰ HỘI THẢO VỀ THỰC PHẨM SẠCH NGÀY 23.8.2016 tại đây
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, GS Nguyễn Lân Dũng, cựu đại biểu Quốc hội các khóa 10, 11, 12, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, liên tục lắc đầu khi đề cập đến vấn đề thực phẩm bẩn.
Nông dân có thể sản xuất thực phẩm sạch khi...
PV: Thưa Giáo sư, hiện nay, với sự nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm bẩn thì câu chuyện thực phẩm sạch đã là đòi hỏi rất lớn trong xã hội và từ thực tế nghiên cứu của mình, Giáo sư có thể chia sẻ về việc người nông dân hiện nay có thể sản xuất thực phẩm sạch bằng phương pháp, công nghệ mới như thế nào?
GS Nguyễn Lân Dũng: Trước hết, phải nói rằng, vấn đề thực phẩm bẩn gây ra đối với sức khỏe là quá nguy hiểm.
Trung bình hiện nay, theo thống kê ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 ca ung thư mới và khoảng 70.000 người chết.
Trong ung thư, lại có 35% nguyên nhân là do thực phẩm bẩn và liên quan nhiều tới rau. Theo các con số thống kê thì đối với rau, mỗi năm chúng ta tốn 774 triệu USD để nhập 100.000 tấn thuốc trừ sâu.
Hiện nay chúng ta nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu, thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau và 90% nhập từ Trung Quốc. Việc sử dụng thuốc trừ sâu như vậy là rất nguy hiểm.
Cách giải quyết thì cực kỳ đơn giản, tôi đã giúp hai địa điểm thành công. Tôi biết có nơi đề là rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ nhưng người ta đã có bằng chứng về việc họ trộn lẫn rau ngoài chợ vào, rất mất uy tín.
Tôi đặt ra cái mới là rau bảo đảm, bao bì ghi rõ là chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không dùng thuốc trừ sâu hóa học, phân đạm hóa học.
Hiện nay, mọi người đều dùng phân đạm hóa học với số lượng rất lớn nhưng họ không hiểu phân đạm vào rau biến thành Nitrit và đây là yếu tố gây ung thư.
Để xóa bỏ điều này thì cần có sự cộng tác giữa doanh nghiệp và nông dân.
Doanh nghiệp cần lắp các nhà lưới cho nông dân, không có bướm thì không có sâu, không có sâu thì không cần thuốc trừ sâu.
Nhưng để an toàn và tránh người nông dân làm không đúng thì phải có mã số, mã vạch cho từng bao bì của từng gia đình và các gia đình phải chịu trách nhiệm.
Với món tương truyền thống cũng vậy, tôi đi thực tế, thì thấy họ để cho lên mốc tự nhiên, xanh, đỏ, tím, vàng đủ cả…
Tôi bảo là để tôi làm thử một mẻ với điều kiện phải giặt cái nong phơi cho sạch. Nghe tôi nói thế thì người làm tương ở một làng nghề truyền thống cười bảo, ông không biết tôi làm tương mấy đời rồi à.
Sau đó, tôi bảo, cứ để tôi làm, hỏng tôi chịu trách nhiệm thì họ đồng ý.
Tôi và nhân viên đã cấy loài vi nấm Aspergillus oryzae vào và để lại số điện thoại thì mấy ngày sau họ gọi bảo mọc đẹp, đều. Và việc này chỉ cần cấy một lần không phải làm lại.
Tôi đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cho kiểm tra độ tố Aflatoxin trong tương bán trên thị trường.
Nếu không có Aflatoxin thì không sao, nhưng nếu quá nhiều mẫu phát hiện có độc tố này thì phải buộc các nhà làm tương phải thực hiện quá trình giặt nong sạch sẽ và cấy chủng nấm Aspergillus oryzae do các nhà khoa học cung cấp.Với thịt lợn thì hiện nay có chất salbutamol.
Ngành Y tế chỉ cần có mấy cân mỗi năm để chữa bệnh, thì người ta nhập hàng bao nhiêu tấn. Ở đây, chất này vào lợn xong vào thịt lợn rồi lại vào người, việc này là quá nguy hiểm.
Gần đây, tôi có tạo mô hình thịt lợn an toàn, thịt bảo đảm rất thành công, không những sạch mà năng suất lại cao, tôi rất muốn mọi người đến xem. Hiện nay, mỗi con lợn ở đây lãi đến 2 triệu đồng mà không nông dân nào có thể làm được.
Tại sao? Bởi vì, 2,5kg thức ăn thì được 1kg tăng trọng lợn nhưng thức ăn phải là thức ăn sạch, đảm bảo protein và rẻ.
Tôi bỏ đi hai chất đắt nhất trong thức ăn công nghiệp là bột cá và khô dầu đậu, đỗ. Thay vào đó, tôi nuôi ốc bươu vàng, ở đây, nếu loại ốc này đưa lên ruộng là có tội nhưng nuôi phục vụ chăn nuôi thì quá tốt, tôi cũng mua lại của nông dân với giá 5.000 đồng/kg.
Thứ 2 nuôi giun quế bằng nước của bể biogas cùng một số thứ khác. Sau đó, tất cả sấy khô và trộn lại thành thức ăn rẻ tiền nhưng lại rất tốt. Tôi hy vọng rằng, chăn nuôi với phương pháp mới nay sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Và như tôi đã từng nói, nếu được phép kiến nghị thì tôi sẽ kiến nghị tới lãnh đạo các tỉnh là làm sao phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân chứ đất đai chúng ta rộng lớn vậy mà tại sao lại không làm được.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngồi bên vườn rau sạch. Ảnh từ trang cá nhân của ông.
PV: Như vậy, nông dân chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được thực phẩm sạch với các phương pháp trên?
GS Nguyễn Lân Dũng: Đúng vậy nhưng với điều kiện phải có sự phối hợp của doanh nghiệp để thành chuỗi sản xuất hàng hóa. Không thể tự một gia đình làm bởi như thế thì bán cho ai mà cần doanh nghiệp với số lượng hàng lớn để cung cấp cho các siêu thị.
Siêu thị không thể bán rau bẩn và không thể đi mua từng nhà được, cho nên phải có chuỗi sản xuất hàng hóa.
Khi nào người dân được sử dụng thực phẩm sạch?
PV: Theo Giáo sư, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sản xuất thực phẩm sạch là gì?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất là quan điểm, ở đây, chúng ta cứ nói, hô hào nhưng chả có ai lo cả. Nếu lo thì đã có sự quyết liệt còn ở đây, dường như, nhiều người chưa thấy hết tầm nguy hiểm của vấn đề thực phẩm bẩn.
Thứ nữa là chúng ta không có sự phối hợp với giữa nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân, tức không có chuỗi sản xuất.
Thêm vào đó, thực tế hiện nay, ở Việt Nam không có ngành công nghiệp vi sinh vật. Tại sao chúng ta có tất cả các đề tài nghiên cứu về thuốc trừ sâu vi sinh học.
Chúng tôi có 5.000 chủng vi sinh vật nhưng giữ chỉ để chơi bởi không có nhà máy. Công nghiệp vi sinh vật được coi là linh hồn của vi sinh học và chúng ta coi công nghệ vi sinh học là ưu tiên số một.
Nhưng thực tế chỉ có 3 sản phẩm là bột ngọt, rượu bia và vắc – xin, còn hàng ngàn loại nữa không làm.
Tại sao chúng ta không làm thuốc trừ sâu vi sinh học trong khi các nhà khoa học có hàng ngàn loại vi sinh vật… Rõ ràng là chưa có ai lo cả, chúng ta cứ kêu gọi nhưng chẳng có một cái gì cụ thể...
Theo tôi cần phải có những cơ chế, chính sách và sự quyết liệt của Nhà nước.
PV: Hiện nay, tại gia đình nhà mình thì Giáo sư đang sử dụng các loại thực phẩm nào và mua ở đâu?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Gia đình tôi có một người cháu trồng rau sạch và thường xuyên cho tôi để sử dụng. Còn thịt lợn thì tôi mua thịt lợn sạch ở trang trại mà tôi giúp đỡ ở trên.
Ngoài ra, với các thực phẩm khác thì khi tôi sử dụng đề phải đảm bảo là biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần trong đó. Đồng thời, gia đình tôi cũng ăn các loại rau mà biết không có sâu như giá đỗ hay rau mầm...
PV: Theo Giáo sư thì bao nhiêu năm nữa thì người dân chúng ta có thể sử dụng các loại thực phẩm sạch?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Điều này là do Nhà nước. Nếu Nhà nước quyết, tất cả các loại tương truyền thống phải dùng nấm chuẩn thì chúng tôi tổ chức sản xuất ngay.
Hay Nhà nước yêu cầu, doanh nghiệp phối hợp với nông dân, làm nhà lưới cho nông dân trồng rau hay cho xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh học đáp ứng cho chăm sóc rau..
Rồi Nhà nước yêu cầu chăn nuôi không được dùng các thức ăn tăng trọng làm sẵn, chỉ 3 tháng là xuất chuồng... Khi có cơ chế, chính sách rõ ràng, có chuỗi sản xuất hàng hóa thì việc người dân được sử dụng các thực phẩm sạch sẽ nhanh hơn.
Sáng 23.8.2016, tại khách sạn Melia Hà Nội, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH, với sự góp mặt của gần 400 đại biểu, nhà quản lý và những chuyên gia hàng đầu: Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH;GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ca sĩ Mỹ Linh; TS. Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Ông Nguyễn Đình Toàn. GĐ cao cấp ngành hàng Café – Masan Consumer; Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tich Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Đoàn Văn Vươn… Những người muốn tham dự hội thảo có thể đăng ký TẠI ĐÂY |
EmoticonEmoticon